Chuyện nghề “giải cứu” tủ quần áo giới thượng lưu: Có khách mua 50 quần giống hệt nhau, hàng trăm chiếc váy, phải nghiên cứu từng thói quen của khách
Nhớ lại những “cuộc trùng tu” tủ đồ cho khách, chị Cao Thị Lê Hiền – chủ một doanh nghiệp làm dịch vụ sắp xếp tủ quần áo tiết lộ, có những ca phải làm đến 2h sáng, nhiều khách hàng bị stress nặng vì lượng quần áo khổng lồ. Hoàn toàn trái ngược với định kiến của một nghề “việc nhẹ lương cao”, công việc sắp xếp tủ quần áo đòi hỏi nhân sự cần có đủ tư duy, hiểu biết và sự tỉ mỉ.
“Có trường hợp làm đến 1 rưỡi sáng, 2h mới về nhà. Trong căn phòng chỉ khoảng 20 m2, khối lượng quần áo khổng lồ chất thành từng bọc lớn, gồm quần áo của mẹ và 2 con nhỏ. Váy của mẹ có khoảng 200-300 chiếc, riêng việc treo lên đã mất nhiều thời gian bởi đa số làm bằng voan, đặc thù là rất trôi, chảy”, chị Cao Thị Lê Hiền – chủ doanh nghiệp “House to Home” tại Hà Nội kể lại.
“House to Home” chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021, cung cấp dịch vụ sắp xếp nhà cửa. Nghề sắp xếp chuyên nghiệp được cho là xuất hiện từ những năm 1980s tại Mỹ, trở thành một nghề mới tại Trung Quốc vào tháng 1/2021. Tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành tiêu dùng xa xỉ, cùng sự thu hẹp không gian sống do giá nhà đắt đỏ đã thúc đẩy sự trỗi dậy của dịch vụ này.
Theo báo cáo năm 2021 của Sina Finance, Trung Quốc đã có hơn 7.000 người sắp xếp chuyên nghiệp. Giá trị của ngành này được ước tính vượt 60 triệu USD vào năm 2023. Khảo sát năm 2020 của Sina cho thấy 83% số người tham gia trả lời có hơn 500 bộ quần áo trong tủ, 91% thừa nhận có xu hướng tích trữ đồ.
Mặc dù ngày càng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, nghề sắp xếp dường như khá mới mẻ ở Việt Nam. Khái niệm “sắp xếp” thường bị đánh đồng với “dọn dẹp”, nên chị Hiền cho biết một số khách hàng thắc mắc về mức giá 285.000 đồng/giờ cho mỗi nhân sự.
Theo bà chủ 36 tuổi, đôi khi khách hàng không hiểu tại sao các nhân viên sắp xếp mất nhiều thời gian xử lý quần áo đến thế. Bản thân chị cũng không ít lần bất ngờ trước số lượng quần áo của khách hàng, có những người thậm chí mua đồ đủ 3 size S, M, L để phòng khi tăng hay giảm cân.
Trong tiếng Anh, “House” có thể hiểu như phần “xác” – chỉ là nơi để ở. Còn “Home” bao gồm cả “hồn và xác” – là không gian quen thuộc, tạo cảm giác an yên cho mỗi người. Như vậy, “House to Home” nghĩa là “thổi hồn” vào trong căn nhà có đúng không, thưa chị?
Cách diễn giải này khá đúng với tinh thần của “House to Home”. Thông qua tên gọi, tôi mong muốn mọi khách hàng sẽ thấu hiểu hoạt động của doanh nghiệp, với tinh thần xuyên suốt là mang đến sự đầm ấm, không gian thoải mái cho những gia đình sử dụng dịch vụ.
“House to Home” cung cấp dịch vụ sắp xếp nhà cửa. Ở nước ngoài, ngành nghề này đã phát triển rất mạnh, nhưng ở Việt Nam còn quá mới mẻ. Khi tiếp cận khách hàng, tôi nhận thấy nhiều người nhầm lẫn giữa khái niệm sắp xếp và dọn dẹp, vệ sinh.
Dịch vụ dọn dẹp đã khá phổ biến ở Việt Nam. Chi phí vào khoảng 50.000 – 120.000 đồng mỗi giờ. Khách hàng biết đến “House to Home” thắc mắc tại sao tôi đưa ra mức giá cao hơn. Tuy nhiên, chỉ sau khi trải nghiệm dịch vụ, họ mới thấy giá trị thực sự mà chúng tôi mang đến cho ngôi nhà.
Không đơn thuần là lao động chân tay, công việc đòi hỏi sức sáng tạo rất lớn để sắp xếp một không gian sống khoa học nhất. Trong nhà đôi khi còn có người già, trẻ nhỏ. Mỗi gia đình lại như một bài toán mới. Không thể áp dụng cách sắp xếp của gia đình này cho gia đình khác.
Vậy chính xác phải làm như thế nào để tạo ra một không gian sống khoa học? Quy trình sắp xếp của bên chị ra sao?
Trước đây chúng tôi đến khảo sát trước, nhưng một số vấn đề nảy sinh như nhân sự đang mỏng, khách hàng thường cũng muốn không gian trở nên gọn gàng nhanh nhất có thể. Do đó, thay vì một ngày đi nhiều nhà để khảo sát, nhóm nào đi sắp xếp sẽ khảo sát luôn và dự kiến thời gian hoàn thành cho khách. Khi đã có kinh nghiệm, người làm chỉ cần nhìn không gian, số lượng quần áo và trao đổi với khách khoảng 10-15 phút là có tư duy sắp xếp.
Trong quá trình trao đổi với khách hàng, người làm cần biết thói quen của họ. Chẳng hạn như khi về khách sẽ thuận bên trái hay bên phải, để giày dép bên nào. Trẻ em trong gia đình bao nhiêu tuổi để biết cỡ dép. Giày dép thường xuyên sử dụng và ít dùng phải đặt ở vị trí cao thấp hoặc trong ngoài khác nhau. Bắt tay vào làm mới thấy có rất nhiều vấn đề.
Bước tiếp theo là phân loại quần áo, cố gắng làm khi khách ở nhà để họ thanh lọc tủ đồ luôn. Sau quá trình phân loại mới đến sắp xếp. Hoàn thiện xong, chúng tôi sẽ in tem ghi chú các khu vực quần áo như một bản đồ, để sau này khách hàng tự biết phải đặt đồ ở khu vực nào. Đấy là cách duy trì sự gọn gàng lâu dài hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có những kỹ năng gấp quần áo và sắp xếp sao cho khi lấy đồ ra không bị ảnh hưởng đến đồ khác. Phụ thuộc vào loại hình quần áo, đồ treo hay gấp, ít mặc hay mặc thường xuyên, chúng tôi sẽ có sự ưu tiên khu vực khác nhau.
Cảm hứng để chị thành lập “House to Home” đến từ đâu?
Ý tưởng manh nha từ khi bạn thân của tôi tìm hiểu về ngành nghề này ở nước ngoài, cảm thấy khá thú vị. Chưa kể đến những người khác, dịch vụ này thiết thực với chính tôi. Bản thân tôi trước kia cũng là người mua sắm không kiểm soát, không quản lý được tủ quần áo, thậm chí không có không gian để chứa đồ của các thành viên khác trong gia đình.
Khi tiếp xúc khách hàng, tôi thấy họ gặp vấn đề nan giải tương tự. Họ cũng là những tín đồ mua sắm, cũng nhiều lúc đứng hàng giờ trước tủ quần áo mà không biết mặc gì, muốn mặc đồ này nhưng không biết để ở đâu, lục tìm không thấy lại đi mua. Vậy là thành một vòng luẩn quẩn, mua xong chất đống, cuối cùng có những bộ quần áo chưa bao giờ đụng đến. Cứ tiếp tục như vậy vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian.
Quy mô nhân sự của “House to Home” hiện ra sao và mức lương của họ như thế nào, thưa chị?
“House to Home” có khoảng 10 nhân viên cố định. Nhưng trong quá trình làm nếu cần bổ sung nhân sự, chúng tôi cũng có các cộng tác viên tới hỗ trợ. Giá dịch vụ là 285.000 đồng/giờ cho một người, tối thiểu thuê 2 người. Trong quá trình sắp xếp có những lúc cần leo trèo, bê vác, nên bắt buộc cần 2 người.
Tôi nghĩ mức thu nhập của các nhân viên tương xứng với sức lao động bỏ ra và đủ để giữ chân nhân sự. Đặc thù công việc là tính phí theo thời gian, nên chúng tôi bắt buộc phải làm việc hết công suất, nhịn ăn uống là bình thường. Đôi khi có thể làm liền từ sáng đến 2-3h chiều mới ăn trưa, hoặc có những buổi 22h mới ăn tối.
Có trường hợp chúng tôi phải làm đến 1h30- 2h sáng mới về nhà. Trong căn phòng chỉ khoảng 20 mét vuông, khối lượng quần áo khổng lồ chất thành từng bọc lớn, gồm quần áo của mẹ và hai con nhỏ.
Váy của người mẹ có khoảng 200-300 chiếc, riêng việc treo lên đã mất nhiều thời gian, bởi đa số làm bằng chất liệu voan, đặc thù là rất trôi, chảy. Tủ quần áo nhiều thun, sơ mi thì dễ, nhưng nhiều voan và lụa lại là bài toán khó. Những chất liệu này mất thời gian sắp xếp hơn.
Có lẽ đây không phải nghề “việc nhẹ lương cao” như mọi người thường nghĩ?
Không hề. Chúng tôi bị áp lực thời gian và luôn phải suy nghĩ gấp làm sao, kích thước như thế nào, cho vào đâu. Đôi lúc không biết gấp vì đồ của người nổi tiếng có khi chưa nhìn thấy bao giờ, như bộ đồ đính đá nặng tới mấy chục ký hay đôi bốt dài tới eo. Người làm phải biết cách xử lý để không bị hỏng phom dáng.
Vì vậy, với những nhân viên mới, chúng tôi yêu cầu phải tham gia đầy đủ các buổi đào tạo theo chương trình đào tạo của Học viện tổ chức nhà cửa Lijia của Trung Quốc, đảm bảo tính chuyên nghiệp khi làm việc.
Ngoài ra, luôn phải tính tới tần suất sử dụng. Công việc đòi hỏi nhiều yếu tố cộng vào mới ra được phương án sắp xếp. Nếu cứ vậy cất vào thì không cần tới chúng tôi. Đấy là sự khác biệt mà tôi rất muốn những khách hàng chưa sử dụng dịch vụ được biết.
Đối tượng khách sử dụng dịch vụ này của công ty là những ai?
Họ là những khách hàng có thu nhập tốt, thuộc nhóm trung cấp đến cao cấp trở lên, đồng nghĩa với việc quần áo cũng có chất liệu đặc biệt, giá trị lớn hơn. Vì vậy, họ nâng niu quần áo nhiều hơn và bắt buộc phải tìm đến những người am hiểu về thời trang để phân loại.
Do nhiều khả năng mua sắm, lượng quần áo của khách cực kỳ lớn và không thể tự sắp xếp, hoặc họ quá bận rộn, không đủ thời gian. Khá nhiều khách chia sẻ rằng họ bị stress vì lượng quần áo của mình. Trong quá trình làm việc, chúng tôi thấy rất nhiều quần áo nguyên tag. Thậm chí có khách hàng mua 50 quần skinny đen giống hệt nhau.
Chị có biết tại sao họ mua sắm nhiều tới vậy?
Về việc mua sắm mất kiểm soát, các chị em đôi khi vui cũng mua, buồn cũng mua, sếp trách cũng mua, sếp thưởng cũng mua. Đôi khi họ không tìm thấy đồ, nghĩ là mình không có nên tiếp tục mua. [1] Với số lượng 50 chiếc quần giống hệt nhau, chỉ có thể là mua do thói quen, không phải bị thiếu đồ.
Trường hợp phức tạp nhất mà chị từng gặp là gì?
Mỗi người thường có một phong cách ăn mặc. Người thì nhiều đồ công sở, người lại thích mặc điệu đà. Trường hợp phức tạp nhất là mặc tất cả các phong cách, màu nào cũng có, không gian lại vô cùng bé.
Vấn đề cốt lõi là họ không thanh lọc quần áo, những bộ cách đây khoảng 20 năm vẫn giữ. Có những người mua cả 3 size S, M, L. Hiện tại họ mặc size M, nhưng nghĩ rằng size S là để mặc sau khi gầy đi, size L phòng lúc tăng cân. Trong quá trình làm, chúng tôi thường tư vấn cho khách, nhưng quyết định giữ hay bỏ vẫn là ở họ.
Chúng tôi từng gặp những ca đau đầu đến mức không thể nghĩ ra phương án. Không gian đó để đồ này thì thừa, đặt đồ kia vào lại thiếu. Hoặc một tủ nhỏ nhưng lượng quần áo gấp 3 lần sức chứa. Lúc đấy phải tư duy sáng tạo, tìm cách thêm phụ kiện tủ. Cái hay của nghề nằm ở chỗ đó.
Theo chị, mọi người có nên mua nhiều quần áo tới vậy hay không, bởi chính bản thân họ cũng mệt mỏi?
Sau khi hoàn thiện tủ cho khách, tôi cũng thắc mắc không biết có bao giờ họ đặt câu hỏi như vậy không. Nhưng một khi đã “nghiện shopping”, thường việc mua sắm không cần lý do nào. Thích mua nhiều quần áo cũng được, nhưng phải biết lưu trữ khoa học.
Lúc nào tôi cũng khuyên khách nên loại bỏ bớt đồ. Tôi cũng là người nhiều quần áo, nhưng không nghĩ có những chị em nhiều đến mức đấy. Mặc dù là “tín đồ shopping”, tôi cũng chịu khó thanh lọc tủ đồ. Tôi nghĩ rằng việc tích trữ để chờ đến lúc gầy đi hay béo lên là sai lầm. Thêm vào đó, thời trang luôn theo “trend” (xu hướng), tốt nhất nên làm mới tủ quần áo.
Tôi muốn biết lượng khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ ra sao, thưa chị?
Đối với những nhà có không gian nhỏ, đồ trái mùa phải cất đi, họ sẽ cần chúng tôi lúc chuyển mùa. Với những gia đình có không gian lớn, tần suất quay lại hạn chế hơn bởi họ có phòng cho đồ mùa đông và mùa hè khác nhau. Những khách hàng tiếp tục mua sắm, tức là lượng quần áo nhiều hơn cũng quay lại thuê dịch vụ.
Do doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu, tôi muốn đi những bước vững chắc, uy tín để khách hàng tự giới thiệu cho nhau. Tôi cũng sẽ vừa làm vừa học hỏi thêm. Điều “House to Home” hướng đến không chỉ là căn phòng gọn gàng, mà còn là một không gian sống khoa học. Mọi người có thể mua những món đồ yêu thích, dùng những đồ thường sử dụng mà vẫn thấy ngăn nắp và thoải mái.
Nghề sắp xếp tủ quần áo đã phổ biến ở nước ngoài. Chị có đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam?
Thực ra nhu cầu của khách hàng rất lớn. Tôi nghĩ ngành nghề này đang trên đà phát triển, sau này sẽ lớn mạnh.
Do dịch vụ còn mới, mọi người chưa hình dung được giá trị và đang có sự so sánh về giá cả. Vì vậy, nhu cầu rất nhiều nhưng việc cân nhắc sử dụng dịch vụ lại là vấn đề khác. Tần suất sử dụng cũng không nhiều như dịch vụ dọn dẹp. Vào lúc giao mùa, chuyển nhà mới hoặc trong trường hợp bị quá tải quần áo khách mới tìm đến chúng tôi.
Đến khi mọi người hiểu giá trị của dịch vụ sắp xếp hơn, họ mới sử dụng nhiều hơn.
Chị nghĩ sao về tương lai ngành nghề này tại Việt Nam?
Tôi nghĩ sẽ ngày càng phát triển do tầng lớp trung lưu đông hơn. Thêm vào đó, mọi người bắt đầu yêu cuộc sống và biết tận hưởng hơn. Việc thuê dịch vụ vừa chuyên nghiệp hơn, lại có định hướng để sau này họ dọn dẹp, sắp xếp theo. Người ta sẽ dành thời gian cho việc tập trung kinh doanh, kiếm tiền. Đôi khi, mọi người sẽ thấy việc chi trả cho những dịch vụ mang đến sự thoải mái rất xứng đáng, đặc biệt là trong không gian sinh hoạt thường xuyên của gia đình.
Có thể nhìn sang doanh số bán máy rửa bát hay robot hút bụi rất cao, tức là sức lao động được giải phóng. Tôi thấy việc sắp xếp quần áo còn nan giải hơn rửa bát hay hút bụi, bởi liên quan đến chất liệu, thẩm mỹ và thói quen người dùng. Nhưng chúng tôi tự tin có thể giải quyết những vấn đề đó cho khách hàng.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Theo Nhịp sống kinh tế