Chuyện minh bạch tiền lương: Sai một li, đi một… nhân sự
Thiếu minh bạch tiền lương – khởi đầu của những “cuộc chia ly”
“An toàn tài chính” là một trong những động lực làm việc của người lao động. Việc nhận được lương, thưởng đúng hạn, minh bạch là điều họ vô cùng quan tâm. Vì vậy, nếu xuất hiện những sai sót trong kỳ trả lương, sự hào hứng có thể bị thay thế bởi cảm giác hoang mang, ức chế của người lao động.
Mỹ Duyên (30 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) chia sẻ: “Mình đã quyết định dứt áo rời khỏi công ty cũ sau một thời gian chịu đựng. Giai đoạn công tác tại đó, mình không được nhận phiếu lương hằng tháng, không biết tỷ lệ lương dùng đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cách tính thưởng cũng không rõ ràng. Mỗi tháng mình đều bị trừ nhiều khoản mà không rõ nguyên do”.
Cô không phải người duy nhất nghỉ việc vì công ty không cung cấp quy trình trả lương rõ ràng, minh bạch. Trường hợp của Mỹ Duyên tương đồng với 51% trong 1000 nhân sự tham gia trả lời khảo sát của Bequom. Khi được hỏi, những người này chia sẻ họ sẵn sàng đầu quân cho một công ty trả lương minh bạch hơn công ty hiện tại. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của chính sách lương minh bạch trong việc thu hút, giữ chân nhân sự của doanh nghiệp ngày nay.
Các chuyên gia nhân sự cho rằng, nếu thiếu minh bạch về lương, doanh nghiệp không chỉ đánh mất lòng tin của người lao động, khiến nội bộ “rệu rã” mà còn có thể đối mặt về vấn đề pháp lý.
Ông Jack Nguyễn – Phó Tổng Giám đốc công ty tư vấn nhân sự Talentnet cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp dù hiểu rủi ro của tình trạng này, song vẫn phạm phải sai lầm. Đầu tiên là sự thiếu hụt nhân sự tính lương, trong khi lực lượng lao động của doanh nghiệp đông đảo và đa dạng. Tiếp đến là chi phí đầu tư lớn để sở hữu một hệ thống tính lương bài bản, chuyên nghiệp.
Giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp
Muốn chi trả lương minh bạch, doanh nghiệp cần có đủ nguồn lực để giải quyết khối lượng công việc hành chính khổng lồ bao gồm: lưu trữ hồ sơ lao động; xử lý dữ liệu thủ công; tuân thủ và nộp thuế lao động theo quy định pháp luật; bảo mật dữ liệu và phòng chống gian lận tiền lương…
Dẫu vậy, đó là một trong những “bài toán khó” đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vào. Những doanh nghiệp này thường tồn tại các vấn đề như: thiếu nhân sự, không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cho tuyển dụng, đào tạo kỹ năng và bổ sung các giải pháp công nghệ… Trong khi đó, các “ông lớn” mong muốn đội ngũ nhân sự có thể tập trung phát triển các hoạt động chiến lược của công ty nhiều hơn, thay vì xây dựng và duy trì hệ thống tính lương tốn nhiều công sức.
Để giải quyết vấn đề đó, các doanh nghiệp ưa chuộng sử dụng dịch vụ tính lương thuê ngoài. Với ưu điểm hệ thống công nghệ hiện đại và chi phí dễ tiếp cận, tính lương thuê ngoài giải quyết đúng “nỗi nhức nhối” của từng đối tượng doanh nghiệp. Đi xa hơn mức “tròn vai”, một đơn vị cung cấp dịch vụ đáng tin cậy còn có thể giải đáp kịp thời các thắc mắc về lương, bảo hiểm, quyền lợi cho người lao động, tư vấn các xu hướng lương thưởng mới và cập nhật quy định pháp lý về luật lao động cho doanh nghiệp.
Các tổ chức cũng dần nhận ra những tác động tích cực mà dịch vụ tính lương thuê ngoài mang lại. Trong năm 2021, doanh thu của dịch vụ tính lương thuê ngoài đạt 8.6 tỷ USD trên toàn cầu và được dự đoán chạm mốc 11.5 tỷ USD vào năm 2027.
Ông Jack Nguyễn chia sẻ: “Số lượng doanh nghiệp chọn tính lương thuê ngoài sẽ ngày càng gia tăng. Dịch vụ này “giải phóng” phòng HR khỏi một danh sách dài các công việc hành chính. Nhờ đó, ngay cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể nghĩ đến việc tập trung phát triển chiến lược, thay vì dừng lại ở mục đích giữ chân nhân sự”.
Đối với người lao động, tính lương thuê ngoài đảm bảo chính sách lương minh bạch, giúp họ an tâm làm việc và hiểu được giá trị đóng góp của mình. Phòng nhân sự (HR) cũng có thêm thời gian quan tâm chăm sóc, lắng nghe định hướng nghề nghiệp và đầu tư giúp nhân viên nâng cao kỹ năng chuyên môn. Những yếu tố này góp phần thuyết phục nhân viên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo Vietnamnet