Chuyện anh đầu bếp doanh nhân vớt củi lũ làm nghệ thuật

Người đầu bếp nhà hàng phố cổ Lê Ngọc Thuận (Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) nhặt củi lũ tìm cơ hội khởi nghiệp, làm ra những mô hình tái chế độc đáo. Nay anh tiếp tục “ướm chân” vào con đường nghệ thuật.

Chọn cho mình một lối đi riêng

Chúng tôi tình cờ biết đến anh Lê Ngọc Thuận (sinh năm 1980) trong buổi tọa đàm tại Hội An, quê hương anh. Ở đó, anh là khách mời đại diện cho Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.

Khiêm nhường trong giao tiếp nhưng khi được nói về những ý tưởng, anh táo bạo đề xuất việc làm sao để tạo ra không gian sáng tạo hiện hữu có thể phát triển sinh kế cho cộng đồng, để người có tiền hay không đều được tiếp cận với sáng tạo và yêu sáng tác.

Chuyện anh đầu bếp doanh nhân vớt củi lũ làm nghệ thuật - Ảnh 1
Tác phẩm đầu tay – trâu tái sinh từ củi lũ của anh Lê Ngọc Thuận

Chúng tôi tò mò đến thưởng lãm không gian trưng bày của anh tại phường Cẩm An. Anh cùng 3 nghệ sĩ là Lê Minh Trí, Vũ Hữu Nhung và Lê Thiết Cương tổ chức chuỗi triển lãm chủ đề “Con Giống” trưng bày các tác phẩm nổi bật nhất.

Với sự dẫn dắt từ anh Lê Thiết Cương – một trong những nghệ sĩ hội họa mỹ thuật đương đại tối giản hàng đầu Việt Nam, anh Thuận mạnh dạn dấn thân vào điêu khắc.

Cảm hứng bắt đầu từ ý tưởng phác họa nét đẹp của các loài vật gần gũi tiếp nối dòng chảy con giống của truyền thống. Chuỗi triển lãm được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5, tại Hội An vào tháng 7 và tại TP Đà Nẵng vào ngày 23/7

Chuyện anh đầu bếp doanh nhân vớt củi lũ làm nghệ thuật - Ảnh 2
Anh Thuận tại triển lãm điêu khắc ‘Con giống”

Mỗi tác phẩm một câu chuyện gợi nhớ đất trời, con người thượng nguồn Tây Giang. Thiên nhiên có vẻ đẹp sẵn, không có khúc củi lũ nào giống nhau và người nghệ sĩ nương theo, thỏa thích sáng tạo. 10 tác phẩm của anh có: trâu tái sinh từ củi lũ, mùi trên đỉnh, voi, gà trống nhà Gươl được có những gam màu tự nhiên, thô mộc.

Để thực hiện những ý tưởng của mình, anh Thuận tìm nghệ nhân tài hoa trẻ làng mộc Kim Bồng. “Tôi sẽ chỉ dừng lại ở những nhà hàng, quanh quẩn với những vật dụng, cuốn theo kinh doanh dịch vụ. Đại dịch giúp tôi đi chậm lại và nhìn thấy hướng phát triển với nghệ thuật”, anh Thuận bày tỏ.

“Người thành công thường có lối đi riêng, thành công bằng sáng tạo, Lê Ngọc Thuận là tấm gương để những nghề truyền thống khác học tập”, Thạc sĩ Phạm Ngọc Phú, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn Hóa Hội An bày tỏ cảm mến.

Khát khao làm giàu và sáng tạo của anh … đầu bếp

Chuyện anh đầu bếp doanh nhân vớt củi lũ làm nghệ thuật - Ảnh 3
Tận dụng củi, tre lũ làm một số nội thất cho homestay năm 2012

Trên đường Thịnh Mỹ, Cẩm Hà, TP Hội An, nép bên bờ sông Cổ Cò là không gian nhà hàng sáng tạo của anh Lê Ngọc Thuận. Phải nhìn kỹ mới nhận ra nội thất từ khung gương, móc treo, đèn, bàn, ghế … ở đây đều là những “đứa con” tinh thần từ “rác” của anh.

Chuyện anh đầu bếp doanh nhân vớt củi lũ làm nghệ thuật - Ảnh 4
Một số sản phẩm từ củi lũ của Lê Ngọc Thuận

“Trước đây em làm ở quê, đại dịch Covid – 19 khiến em không có việc. Giờ em phụ trách kinh doanh và phần vật liệu tái chế cho củi lũ một đời sống mới”, Trang – nhân viên của anh Thuận vừa giới thiệu vừa dẫn tôi tham quan những đồ thủ công mỹ nghệ. Bông lúa, cổng làng tái chế tinh xảo trong lớp áo khoác sơn hữu cơ thân thiện môi trường.

Chuyện anh đầu bếp doanh nhân vớt củi lũ làm nghệ thuật - Ảnh 5
Em Trang giới thiệu sản phẩm lưu niệm từ củi lũ

Không qua trường lớp kiến trúc, kinh tế, nghệ thuật nào bài bản, anh Thuận xuất phát với việc làm đầu bếp nhà hàng Việt Nam. Đến năm 2010, anh Thuận vay mượn để chuyển qua mở nhà hàng phục vụ du khách nước ngoài. Tại đây, anh có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, kết bạn với khách Tây và có những bước rẽ ngang.

“Tôi thường lắng nghe du khách nói chuyện, phân tích nhà nào đẹp hay chưa đẹp ở điểm nào, vật liệu như thế nào rồi rút ra bài học”. Ở thành phố du lịch, anh Thuận càng nhạy bén quan tâm những điều du khách nước ngoài quan tâm, học cả từ người thành công lẫn người thất bại.

Khi du lịch Bali, anh thấy người Bali cũng làm homestay từ vật liệu tái chế. Anh trở về bắt đầu từ việc vớt củi gỗ làm gương, làm bàn, ghế, làm đèn trang trí phòng, tạo thành những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng theo cách riêng của mình.

“Làm một homestay, phải đầu tư nhiều. Tôi vớt củi lũ, tiết kiệm được mỗi vật dụng từ vài triệu đến vài chục triệu. Không tốn tiền mà lại có lợi nhuận, tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục người, vớt rác sạch cho sông biển quê hương”, anh chân thật chia sẻ.

Chuyện anh đầu bếp doanh nhân vớt củi lũ làm nghệ thuật - Ảnh 6
Củi lũ, gỗ lũ anh Thuận ki cóp nhặt nhạnh ở cuối sông đầu biển

Sông Thu Bồn mùa lũ, nước cuồn cuộn từ đại ngàn  đổ về, mang theo củi vụn từ miền núi về đồng bằng và trôi dạt ra bờ biển Cửa Đại. Chính tại đây, anh Thuận đã chọn và lấy cảm hứng sáng tác cho tác phẩm trâu tái sinh, kể về văn hóa nhà mồ Cơ Tu cho nhiều người biết.

Du khách quốc tế thấy câu chuyện của anh Thuận thú vị, anh bán được tác phẩm. Một khúc củi lũ không mấy đồng chỉ tốn công hai ba người lấy xe chở về, đi tìm vất vả nhưng bán được hàng chục triệu.

Anh Thuận nâng niu trâu tái sinh từ củi lũ: “Nó đã để lại tên tuổi dấu ấn, là tác phẩm điêu khắc đầu tay của tôi. Họ trả tôi mấy ngàn đô tôi cũng không bán, vì đó là kỷ niệm”. Trong mắt anh, mọi thứ ở Hội An đều có thể trở thành hình tượng sáng tạo từ củi lũ: bà bán gánh, thuyền, thúng,…

Khoảng năm 2016, anh Thuận sang tay homestay ở biển An Bàng và hướng nguồn lực vào các không gian khác như villa, resort, nhà hàng, cà phê và để lại nhiều dấu ấn như hiện nay, mở ra xu hướng quay về với thiên nhiên trong kinh doanh của người trẻ.

“Câu chuyện của anh Thuận mang đến cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng. Từ rác lũ, củi lũ, phế phẩm… cái gì cũng có thể sáng tạo”, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa nghệ Thuật Quốc gia đánh giá.

Chuyện anh đầu bếp doanh nhân vớt củi lũ làm nghệ thuật - Ảnh 7
Sản phẩm từ củi lũ độc đáo

“Mong lượm thật nhiều củi lũ đem về để dành. Mỗi ngày nghĩ ra mỗi câu chuyện để sáng tạo. Nhỏ nghĩ sản phẩm nhỏ, lớn nghĩ lớn”, anh Lê Ngọc Thuận chia sẻ.

Năm 2017, anh Thuận đoạt giải Ý tưởng thiết kế ngôi nhà mơ ước do Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam và Tập đoàn Thạch Bàn tổ chức. Hiện anh là Chủ tịch Hội homestay Hội An với 300 thành viên, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hội An.

Nguồn: sohuutritue


Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn
Cẩm nang kiến thức về tuyển dụng, tìm việc làm mới nhất 2024 | News.timviec.com.vn
Công ty TNHH Truyền thông Tầm Nhìn Cộng

Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà Ngôi Sao, phố Dương Đình Nghệ, ô D32, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam

SĐT: 0981 448 766

Email: [email protected]

VỀ CHÚNG TÔI

News.timviec.com.vn là website cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự, nghề nghiệp do Timviec.com.vn vận hành nhằm giúp doanh nghiệp, nhân sự tuyển dụng, người đi làm, người tìm việc cập nhật thông tin và đáp ứng được mong muốn của mình.

KẾT NỐI

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số 54/2019/SLĐTBXH-GP do Sở lao động thương binh và xã hội cấp ngày 30 tháng 12 năm 2019.