Cuối tháng 7/2019, câu chuyện 12 tân cử nhân Đại học Bách Khoa ra trường được trả lương 6.000 USD/tháng (hơn 142 triệu đồng) gây xôn xao dư luận. Trước câu chuyện đó, ông Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết 12 sinh viên này được offer ở thời điểm sắp tốt nghiệp, sẽ làm về trí tuệ nhân tạo (AI) cho SmartGrid.
AI là khái niệm không quá mới, tuy nhiên những thông tin về ngành này vẫn rất xa lạ với nhiều người. Chỉ khẳng định được một điều rằng công việc liên quan đến AI đang là một trong những ngành nghề tiềm năng và hot nhất thị trường lao động hiện tại. Ngành học AI theo đà đó mà cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Theo một số báo cáo năm 2021 về thị trường công nghệ thông tin (IT) ở Việt Nam, mức lương trung bình hàng tháng của kỹ sư AI là 3.054 USD (hơn 72 triệu đồng). Còn ở nước ngoài, Glassdoor cho hay mức lương trung bình của ngành AI là 112.132 USD (gần 2,7 tỷ đồng)/ năm. Bên cạnh đó, theo Datamation, mức lương trung bình cho một lập trình viên AI là từ 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng) đến 150.000 USD (hơn 3,6 tỷ đồng)/năm. Thậm chí, thu nhập cao nhất còn lên đến hơn 250.000 USD (gần 6 tỷ đồng)/năm.
Tuy nhiên, nhân lực chất lượng ngành IT nói chung và AI nói riêng vẫn rất khan hiếm. Theo báo cáo của các chuyên gia, tính đến 2020, nhu cầu nhân lực phục vụ AI tại Việt Nam là khoảng 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng.
Bên cạnh đó, cả nước hiện có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo IT. Hàng năm chỉ có khoảng 50.000 sinh viên ngành này ra trường. Con số này liên quan đến AI càng ít hơn. Nói chung, nhiều công ty không thể tuyển dụng nhân lực đủ am hiểu và chất lượng về lĩnh vực AI, điều này biến AI đây thành “mảnh đất màu mỡ” cho những ai có niềm đam mê đặc biệt cho ngành học tương lai này.
Ngành AI là gì?
Trong khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo hay AI, đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của con người. Theo từ điển Cambridge, thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” thường được sử dụng để mô tả các máy móc có khả năng bắt chước các chức năng “nhận thức” mà con người thường phải liên kết với tâm trí, như “học tập” và “giải quyết vấn đề”.
Nhìn chung, đây là một ngành học rất rộng, bao gồm các yếu tố tâm lý học, khoa học máy tính và kỹ thuật. Một số ví dụ phổ biến về AI có thể kể đến ô tô tự lái, phần mềm dịch thuật tự động, trợ lý ảo trên điện thoại hay đối thủ ảo khi chơi trò chơi trên điện thoại…
Ngành trí tuệ nhân tạo là dành cho bạn nếu bạn có những yếu tố sau:
– Tò mò, thích nghiên cứu và sáng tạo
Để có ý tưởng và tìm ra giải pháp cho những vấn đề cổ điển, bạn cần phải thường xuyên đặt câu hỏi, nhận diện và thấu hiểu những vấn đề trừu tượng.
– Thấu hiểu dữ liệu
Đối với những người làm việc trong ngành AI, việc tìm ra câu trả lời đúng rất quan trọng, nhưng việc đặt câu hỏi đúng cũng quan trọng không kém. Từ dữ liệu thu thập, bạn cần đào sâu để hiểu được ý nghĩa thực sự của chúng và tìm ra những câu hỏi hữu ích cho quá trình nghiên cứu sau này.
– Khả năng học hỏi nhanh và tính kiên trì
Với một lĩnh vực mới và đầy thử thách như trí tuệ nhân tạo, sinh viên cần kiên trì học tập và cải thiện để đạt được kết quả như mong đợi. Ngoài ra, xã hội phát triển nhanh chóng và AI cũng vậy, người làm trong ngành phải liên tục cập nhật liên tục kiến thức mới để không bị thụt lùi phía sau.
Có rất nhiều công việc hấp dẫn chờ đợi cử nhân ngành Trí tuệ nhân tạo sau khi ra trường như: Kỹ sư phát triển ứng dụng TTNT; Kỹ sư phát triển vận hành hệ thống tự động hóa/Robot ứng dụng TTNT; Kiến trúc sư dữ liệu; Chuyên gia nghiên cứu về AI trong các viện nghiên cứu; Chuyên gia tư vấn giải pháp ứng dụng TTNT trong sản xuất kinh doanh…
So sánh chương trình đào tạo ngành AI ở một trường trường top đầu
1. Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Mục tiêu của chương trình Trí tuệ nhân tạo tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực đại học có trình độ cao về chuyên môn, có năng lực phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu tiên tiến, có khả năng làm việc trong các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu của xã hội về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu.
Sinh viên thuộc chương trình Trí tuệ nhân tạo sẽ được trang bị các kiến thức, kĩ năng hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển về ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói riêng và công nghệ thông tin nói chung của xã hội trong xu thế toàn cầu hóa. Sinh viên cũng được đào tạo những kĩ năng bổ trợ cần thiết, khả năng tự học tự thích nghi, khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc trong môi trường công nghiệp trong và ngoài nước… để đạt chuẩn chất lượng của các đại học tiên tiến trong khu vực;
Ngoài ra, sinh viên thuộc chương trình Trí tuệ nhân tạo sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển kiến thức, kĩ năng cũng như các phẩm chất nghề nghiệp thông qua việc cung cấp môi trường quản lí, giảng dạy, học tập hiện đại tiên tiến hiệu quả, cùng với đội ngũ giảng viên giỏi và áp dụng phương pháp dạy – học tiên tiến.
– Điểm chuẩn: 27 điểm (Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022)
2. Đại học Bách Khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những nơi đầu tiên đào tạo về AI với chương trình tiên tiến Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo. Chương trình được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế, 100% môn học được dạy bằng tiếng Anh, với thời lượng thực hành và thực tập tại doanh nghiệp lớn nhằm đào tạo ra các nhà khoa học dữ liệu chất lượng cao, sẵn sàng cho đòi hỏi nhân lực của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và trên thế giới.
Bên cạnh trang bị vững kiến thức chuyên môn, sinh viên năm cuối còn được hướng dẫn (mentor) bởi các chuyên gia trong lĩnh vực DS-AI trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia – cựu sinh viên của Trường CNTT&TT đang làm việc tại các Tập đoàn công nghệ đa quốc gia như: Google, Facebook, Microsoft, Amazon… để vừa nâng cao kiến thức, vừa bổ sung thêm các kỹ năng làm việc, nghiên cứu theo chuẩn quốc tế, hướng tới thị trường lao động toàn cầu, cũng như bồi đắp tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
– Điểm chuẩn: 22,68 (Kỳ thi đánh giá tư duy 2022)
3. Đại học FPT
Chương trình đào tạo chuyên ngành AI gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp, thực tập từ năm 3 tại các đối tác của Đại học FPT, thời gian thực tập 4-8 tháng với dự án thực. Giáo trình nhập khẩu từ các nhà xuất bản và trường đại học nổi tiếng trên thế giới để cập nhật kiến thức Sinh viên được trang bị 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật 100% sinh viên có cơ hội du học ngắn hạn để trau dồi ngoại ngữ và trang bị phông nền văn hoá cũng như cơ hội việc làm quốc tế sau này, 66% chương trình đào tạo là thực hành thực tế…
– Điểm chuẩn: 90 (Kỳ thi đánh giá năng lực)
Ngoài ra, còn một vài trường đại học đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo có tiếng như: Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM…
Theo Tổ quốc