Chủ tịch 8x của doanh nghiệp Việt đầu tiên vào danh sách tăng trưởng đột phá tại Nhật Bản: ‘Làm kinh doanh ở nước ngoài đừng khiêm tốn!’
Rikkeisoft đang là doanh nghiệp công nghệ thông tin top 3 Việt Nam về quy mô, cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt Top 100 Best Venture Japan (danh sách uy tín bao gồm 100 doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu và quy mô đột phá nhất của Nhật Bản). Cách đây 2 năm, công ty này đã được ông Đỗ Cao Bảo, một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT dự báo sẽ vươn lên top 2 trong tương lai gần. Nhưng Tạ Sơn Tùng – nhà đồng sáng lập và là Chủ tịch công ty – nói rằng, nhất định Rikkeisoft sẽ vươn lên vị trí số 1.
Theo dõi những lần anh chia sẻ truyền thông, tôi thấy anh là một người tự tin. Anh rất thẳng thắn về chuyện rời FPT và cũng nói chắc như “đinh đóng cột” về việc sẽ vượt qua FPT. Anh vẫn luôn là người tự tin như vậy?
Đúng là tôi tự tin từ nhỏ. Có lẽ do từ bé đến tận lúc vào đại học, trong việc học, tôi luôn là số 1. Mục tiêu thời đi học chỉ có một việc duy nhất là đỗ thủ khoa để mẹ được lên TV. Tôi tự tin đến mức nghĩ: “Mình trượt thì không ai đỗ được” (cười).
Thế nhưng cuối cùng tôi là Á khoa. Và khi vào đại học, tôi mới thấy có quá nhiều người giỏi hơn mình. Những người giỏi nhất lớp tôi thời đó – chính là những người sau này cùng tôi sáng lập Rikkeisoft – đều là những học sinh rất xuất sắc, có giải Quốc Gia ,vào thẳng đại học. Và tất nhiên sau khi đi du học, được chứng kiến sự phát triển của đất nước Nhật Bản, tôi đã thay đổi tư duy rất nhiều. Núi cao còn có núi khác cao hơn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi mất tự tin. Trái lại, việc rời FPT là do tôi có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân và đội ngũ sáng lập Rikkeisoft.
Anh nói mình rời FPT vì thấy tồn tại nhiều vấn đề. Khi có cơ hội nói chuyện với ông Đỗ Cao Bảo, anh có nói về vấn đề đó không?
Có chứ. Thời tôi còn ở FSoft (FPT Software) có nhiều vấn đề, ở góc nhìn của tôi.
Nhưng thú thật, giờ nhìn lại, có vấn đề là đương nhiên. Vì thời ấy nhân lực công nghệ thông tin rất ít, không nhiều trường đào tạo, sinh viên trong trường không được thực hành nhiều, ra trường đi làm ngay chắc chắn không thể tốt. Có những người rất giỏi, có người rất bình thường và thậm chí là kém cùng làm với nhau. Như thế, người giỏi sẽ vất vả để giúp người kém hơn, nhiều lúc cũng rất căng thẳng vì họ không được làm đúng năng lực, sản phẩm ra chất lượng không tốt là hệ quả tất yếu.
Thời điểm đó tôi không nghĩ được như vậy, nhận thức còn chưa sâu. Hiện nay Rikkeisoft có quy mô bằng nửa Fsoft trước đây (năm 2011), tôi mới nhìn lại và nhận thấy, đội ngũ lãnh đạo FPT quá giỏi! Quy mô nhân sự lớn như vậy thì quy trình, đào tạo cực kỳ phức tạp. Hơn nữa, làm việc với người Nhật trong khi kỹ sư không biết tiếng Nhật thì còn một vấn đề rất lớn nữa là sự “tam sao thất bản” trong giao tiếp dự án. Vậy mà họ vẫn tăng trưởng phát triển tốt, cá nhân tôi rất hâm mộ!
Tôi tin rằng FPT là môi trường rất tốt để phát triển, nhưng cũng tin mình có thể làm nhiều hơn.
Ai sẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường sự nghiệp của anh?
Tôi hâm mộ nhiều nhân vật lịch sử và học hỏi từ các câu chuyện lịch sử để ứng dụng trong kinh doanh và điều hành doanh nghiệp. Tôi cũng hay theo dõi những người đi trước như anh Đỗ Cao Bảo, anh Hoàng Minh Châu, và đọc sách để học tập và đúc rút kinh nghiệm. Con đường tôi tự đi, phần nhiều theo bản năng dẫn lối.
Cách đây gần 2 năm, ông Đỗ Cao Bảo, từng chia sẻ trên mạng xã hội: “Tôi tin rằng trong tương lai ngắn Rikkeisoft sẽ là công ty công nghệ thông tin lớn thứ 2 Việt Nam”. Thế nhưng tôi thấy anh đã nhiều lần nói rằng mục tiêu của Rikkeisoft còn lớn hơn thế và anh tự tin vào điều đó. Dựa vào điều gì mà anh tự tin đến thế?
Dự đoán của anh Bảo đang được hiện thực hóa. Năm sau (2023), nếu theo kế hoạch, chúng tôi sẽ trở thành công ty công nghệ thông tin Việt Nam có quy mô đúng nhân sự đứng thứ hai.
Còn về việc vượt FPT, tôi tự tin bởi vài lý do. Thứ nhất, năm nay tôi 33 tuổi, tầm tuổi đó, anh Trương Gia Bình mới thành lập FPT, còn tôi đã có công ty 1.500 người, tức là xuất phát điểm của tôi đã có lợi thế. Thứ hai, những người xung quanh tôi cũng là những người xuất sắc, như đội ngũ sáng lập FPT ngày xưa. Tôi tin chúng tôi có thể làm được.
Sự tự tin của anh có hữu ích ra sao khi anh kinh doanh ở nước ngoài?
Có hai thành ngữ tôi không thích.
Một là, “nói trước bước không qua”. Với tôi khiêm tốn không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt trong kinh doanh.
Người Việt Nam đi ra nước ngoài thường không tự tin, thậm chí tự ti. Trong khi đó, kinh doanh ở nước ngoài, tôi nhận thấy rằng, người Nhật chân thành, thật thà như vậy, nhưng có một phần năng lực, thì họ vẫn nói từ 1,5 đến 2. Nên nếu làm kinh doanh ở nước ngoài thì tuyệt đối đừng khiêm tốn. Lời khuyên của tôi là hãy nói trước để bước qua. Đặt và tuyên bố mục tiêu rõ ràng để làm động lực.
Vào đại học thì tôi nói trước sẽ đi du học và sau 2 năm học ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì tôi được sang Nhật Bản du học. Tốt nghiệp đại học, tôi nói 27 tuổi phải kiếm được 1 triệu đô, thì đến năm 27 tuổi doanh thu của Rikkei đã là 1,5 triệu đô. Năm 2015, khi Rikkeisoft mới chỉ có 100 nhân sự, tôi nói đến năm 2020, Rikkeisoft phải có 1.000 người. Lúc đó nhiều người không tin. Nhưng đến năm 2018 có 500 người, mọi người bảo nhau có khi sẽ làm được, và 2019 Rikkei có 1.000 người.
Và giờ tôi đặt mục tiêu năm 2025 phải có 10.000 người. Tôi nói đi nói lại mục tiêu đó, như một mệnh lệnh với chính mình, khiến tôi làm liên tục và luôn tập trung vào mục tiêu đó.
Câu thứ hai tôi không thích là “an cư lạc nghiệp”. Theo tôi làm kinh doanh muốn thành công phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chinh phục nhiều thứ. Những người quen ổn định rồi thì khó có bước phát triển. Nhiều người cứ hay nói ổn định phát triển, nhưng ổn định thì không phát triển được, mà phát triển thì không ổn định được. Đó là rủi ro phải chấp nhận.
Có rất nhiều người cho rằng Việt Nam cần “thoát kiếp” gia công, không chỉ tập trung làm outsource. Anh nghĩ gì về điều đó?