Cặp vợ chồng khởi nghiệp từ xơ mướp: Bôn ba đủ nghề để có vốn kinh doanh, sản phẩm bị cười nhạo là “hàng mã”, cuối cùng được khách Mỹ, Nhật, Hàn cực ưa chuộng
Để duy trì cuộc sống gia đình cũng như tích lũy chi phí phục vụ cho khởi nghiệp, anh Nhân đã phải làm rất nhiều việc cùng lúc như thợ mộc, thợ hàn, xe ôm…
Anh Mạc Như Nhân – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vinhands (Q.12, TP.HCM), chuyên sản xuất một số sản phẩm từ xơ mướp như miếng rửa chén, bông tắm, giày dép, túi xách. Rất nhiều khách tham quan dù rất thích thú với những sản phẩm này nhưng vẫn cho rằng, đó cũng chỉ là những sản phẩm thủ công làm chơi. Cầm những đôi giày, dép bằng xơ mướp trông chẳng khác hàng mã, ai cũng hỏi anh: “Chúng có đi được không, đi được bao lâu?”
Lớn lên tại vùng đất Gia Lai, ngay từ nhỏ, anh Nhân đã biết đến công dụng của xơ mướp qua những vật dụng quen thuộc trong gia đình. Anh nhận thấy xơ mướp có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm. Từ đó, anh bắt đầu mày mò, đem xơ đi ép phẳng, nhuộm màu theo thiết kế rồi vẽ, định hình trên các chất liệu khác nhau bằng keo hoặc nhựa cao su thiên nhiên.
Sau đó, vợ anh có gợi ý cho anh sản xuất các món phụ kiện cho phái đẹp để đang dạng hoá các loại sản phẩm. Từ ý tưởng của vợ, anh Nhân bắt tay vào làm kẹp tóc, túi, ví từ xơ mướp. Những ngày đầu, anh tự mày mò học lấy, tự thiết kế sản phẩm rồi bắt tay vào làm, mua máy may, xử lý nguyên liệu, tìm kiếm vật tư và tự chế máy móc.
Để duy trì cuộc sống gia đình cũng như tích lũy chi phí phục vụ cho khởi nghiệp, anh Nhân đã phải làm rất nhiều việc cùng lúc như thợ mộc, thợ hàn, xe ôm. Ngày đi làm, tối thức đến 2-3 giờ sáng làm xơ mướp. Anh chia sẻ rằng bản thân có lẽ không thể đếm được những lần tay bị kim đâm hay xơ mướp làm chảy máu.
Khi đã bắt đầu quen với công việc hơn và đã có một lượng khách hàng quen nhất định biết đến mặt hàng, vợ chồng anh Nhân quyết định mang các sản phẩm từ xơ mướp đi giới thiệu cho khách tham quan tại các hội chợ, triển lãm. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu thì không thể tránh khỏi những khó khăn. Anh tâm sự rằng cú sốc đầu tiên khi khởi nghiệp là lần đầu tiên ra quân, hai vợ chồng kỳ vọng sẽ bán được thật nhiều hàng vì có rất nhiều khách tham quan hội chợ. Vậy mà cuối cùng lại chẳng bán được gì. Dần dần, bằng sự kiên trì tham gia các hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm nên anh đã nhận được những đơn hàng lớn, nhất là những đơn hàng phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng như miếng rửa chén, cọ ly, cọ nồi; sản phẩm sử dụng trong phòng tắm như bông tắm, chà lưng, tẩy tế bào chết.
Anh Nhân tự nhận bản thân không biết gì về marketing, tiếp thị, bán hàng. Sản phẩm làm ra chỉ đem chào bán cho các cửa hàng, đầu mối. Ấy vậy mà lại có những vị khách từ Hàn Quốc, Úc hay châu Âu… bản thân họ lúc đầu cũng là tình cờ mua hàng của anh, nhưng rồi dùng thấy thích quá nên đã đi giới thiệu cho người quen bạn bè. Anh vui nhất là họ giữ nguyên nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm chứ không yêu cầu phải thay đổi, có sản phẩm nào mới, họ cũng đặt mua.
Hiện tại, anh Nhân đã có xưởng sản xuất rộng 700m2, tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức lương khoảng 7-8 triệu/tháng. Mỗi tháng, xưởng sản xuất của anh cho ra đời khoảng 50 nghìn sản phẩm với các mẫu mã đa dạng. Sản phẩm của anh giờ không còn chỉ lưu hành trong nước mà cũng đã có mặt tại nhiều nước, trong đó, thị trường lớn nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Đến nay, trải qua nhiều khó khăn, mỗi tháng, xưởng sản xuất xơ mướp của vợ chồng anh mang về doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ với báo chí, mỗi khi con gái Nhân được bạn bè hỏi bố làm nghề gì, cô bé đều trả lời: “Ba tớ buôn xơ mướp”. Dù thấy buồn cười với câu trả lời của con, nhưng anh Nhân và vợ vẫn sẽ luôn nỗ lực trở thành một doanh nhân trung thực, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân mỗi khi bị thương lái ép giá.
Nguồn: Tổng hợp
Cre: Trí thức trẻ