Phía sau khung cửa sắt tại khu công nghiệp Oakland, California, nhà máy sản xuất đậu phụ của Hodo đang tất bật trả đơn cho khách. Từng thùng to đựng đầy đậu nành đã được chuẩn bị kỹ càng trước khi chuyển xuống dây chuyền nghiền thành bột, lọc và ép thành miếng. Ở một khu khác, công nhân, với chiếc vợt lớn, nhanh tay chiên đậu trên những chảo dầu. Số đậu phụ này sau đó sẽ được thêm gia vị để cho ra thành phẩm là món ăn bán chạy nhất Hodo: đậu chiên cà ri Thái.
Trung bình một ngày, Hodo sử dụng khoảng 15 tấn đậu nành Mỹ sản xuất ra 20 tấn các sản phẩm từ đậu phụ nguyên chất, các món đã được nấu chín, ăn liền với nhiều vị khác nhau. Chúng sau đó được bán trên khắp nước Mỹ, từ khu chợ cho người sành ăn tại San Francisco tới các cửa hàng thực phẩm sạch. Ngoài ra, đậu phụ Hodo cũng được dùng trong các chuỗi cửa hàng đạt chuẩn sao Michelin như Sweetgreen và Bird Provision tại San Francisco.
Năm 2022, doanh số bán đậu phụ Hodo được kỳ vọng đạt 25 triệu USD tại Mỹ. Chia sẻ với tờ Bloomberg, Minh Tsai, người được biết đến với danh hiệu “ông vua đậu phụ” gốc Việt cho biết tốc độ tăng trưởng của Hodo trong 5 năm qua đạt 20%. Công ty cũng liên kết với gần 10.000 nhà bán lẻ và hơn 5.000 nhà hàng, bao gồm chuỗi như Chipotle Mexican Grill, Sweetgreen hay những nhà hàng cao cấp hơn như Slanted Door ở San Francisco.
Thực phẩm làm từ thực vật, cụ thể là các loại họ đậu, hạt và rau, từng được cho là những món ăn không tốt cho sức khỏe vào những năm 1970. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và rủi ro khi ăn quá nhiều thịt, đậu đang được coi là “tuyên ngôn sống mới”.
Theo nghiên cứu của Nielsen vào năm 2017, hơn 1/3 người Mỹ cho biết họ là những người thích các thực phẩm từ thực vật. Hầu hết trong số đó đều là người ăn chay và các sản phẩm chay.
Mới đây nhất, Hodo còn ra mắt sản phẩm trứng chay làm từ đậu phụ và đặt mục tiêu tiếp cận khoảng 1.500 siêu thị.
“Chúng tôi nhận thấy rằng ngoài Just Egg, không có nhiều đổi mới trong lĩnh vực trứng thực phẩm. Hodo vì thế bắt đầu mày mò công thức để tạo ra kết cấu và hương vị giống như trứng”, Minh Tsai cho biết. “Tôi nghĩ nó có thể sẽ là sản phẩm bán chạy nhất của chúng tôi có trong vòng một năm tới”.
Theo Dasha Shor, một nhà phân tích tại Mintel, người tiêu dùng vẫn đang tìm cách bổ sung nhiều thực vật vào chế độ ăn uống, bất chấp việc doanh số các sản phẩm thay thế thịt không cao. “Chúng tôi đang chứng kiến phản ứng dữ dội trong quá trình chế biến thịt. 60% người tiêu dùng protein từ thực vật ở Mỹ nói rằng họ sẽ ăn nhiều sản phẩm thay thế hơn nếu chúng lành mạnh và ít bị chế biến”.
“Về mặt lý thuyết, Just Egg thắng, nhưng xét trên góc độ hương vị và sự đơn giản của thành phần, tôi nghĩ Hodo có thể cạnh tranh tốt”, Tsai Minh tự tin.
Được biết Minh Tsai – nhà sáng lập của Hodo tới Mỹ vào năm 1981 với tham vọng tạo ra cuộc cách mạng về đậu phụ. Trước đó, doanh nhân gốc Việt này có bằng cử nhân và MBA tại đại học Columbia và từng làm việc trong lĩnh vực tài chính tại ngân hàng JPMorgan Chase & Co và Charles Schawab.
Không thể nào quên hương vị món đậu phụ do chính tay mẹ làm, Minh Tsai ấp ủ giấc mơ kinh doanh sau khi nhìn ra cơ hội tại Mỹ – nơi phần lớn các nhà sản xuất châu Á khi đó tạo ra loại đậu phụ ngon nhưng không hữu cơ.
Suốt 2 năm, Minh bán những miếng đậu phụ do chính tay ông làm tại các chợ cho người nông dân ở Palo Alto. Các khách hàng ở đó “thật sự quan tâm tới hữu cơ, sản phẩm địa phương và họ có đủ khả năng chi trả”.
Đến năm 2004, Minh quyết định nghỉ công việc ngân hàng và dồn hết 80.000 USD để khởi nghiệp Hodo. Một trong những sản phẩm đầu tiên công ty là yuba – loại sợi mềm như mỳ từ đậu nành và một số nguyên liệu khác.
Ban đầu, tên công ty được gọi là Hodo Soy, nhưng sau đó được rút ngắn. Tsai giải thích công ty của ông muốn mở rộng phạm vi các sản phẩm dựa trên protein thực vật chứ không chỉ đơn thuần từ đậu nành.
Năm 2005, doanh nhân Minh Tsai hợp tác cùng John Notz – người sau này trở thành Giám đốc tài chính của Hodo Soy để gọi vốn xây dựng nhà xưởng. Nhà máy sản xuất đậu phụ Hodo sau đó được đặt tại khu công nghiệp ở Oakland, California (Mỹ).
Được biết mỗi năm, Hodo lại tung ra thị trường vài sản phẩm mới. Trong năm 2018, công ty tạo ra một dòng đậu phụ có hương vị Morocco và Địa Trung Hải đóng trong các gói khoảng gần 4kg và bán chúng với giá 6 USD. Kế hoạch mở rộng nhà máy từ 2.000 m2 thành gần 4.000 m2 đã được triển khai, với tham vọng nâng năng lực sản xuất lên mức 35 tấn sản phẩm từ đậu nành mỗi ngày. Tính đến cuối tháng 8/2018, Hodo đã có mặt tại 450 cửa hàng Whole Foods.
“Chúng tôi sẽ tìm hiểu mọi cơ hội với những sản phẩm làm từ thực vật gồm đồ ăn sẵn, đồ uống và cả đồ ăn vặt”, Minh Tsai chia sẻ.
Theo Nhịp sống thị trường