Bài học từ câu chuyện nghỉ việc lương 80 triệu đi làm shipper
Không phải cuộc sống với mức lương hàng tỷ đồng mỗi năm mới là đáng sống, những gì phù hợp với bạn, đó mới là tốt nhất.
Thành công luôn có nhiều hơn một cách
“Lương tháng 80 triệu, nhưng tôi không hề vui vẻ chút nào”.
Đây là lời nói của Kiên, một đạo diễn nghệ thuật điện ảnh 9X. Công việc và mức lương của anh ấy là thứ khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Ở độ tuổi như vậy, có được công việc như vậy, không phải là điều dễ dàng.
Nhưng, Kiên đã lựa chọn nghỉ việc.
Nếu nói anh ấy nghỉ việc để tìm kiếm một công việc khác tốt hơn, có lẽ không có gì đặc biệt, tuy nhiên, Kiên quyết định nghỉ công việc này để làm một shipper, chính quyết định này khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Rất nhiều những câu nói “chế nhạo” bắt đầu xuất hiện:
“Thật hay đùa vậy, lương như thế mà nỡ bỏ việc ư?”.
“Thanh niên này chắc chưa bao giờ phải sống trong cảnh nghèo đói rồi!”.
….
Có thể hiểu được những bình luận như vậy, đặc biệt là hai năm qua, khi dịch bệnh hoành hành, ai ai cũng khó khăn và chỉ mong có được một công việc đàng hoàng.
Nhưng, tìm hiểu lý do vì sao Kiên nghỉ, có lẽ bạn cũng sẽ phần nào hiểu được, vì sao anh ấy lại đưa ra quyết định như vậy.
Trước đó, Kiên luôn ở trong tình trạng thức tới đêm muộn, thậm chí có những hôm thâu đêm suốt sáng, lâu dần, cơ thể mệt mỏi, đủ các loại bệnh tật xuất hiện.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Suốt mấy ngày đêm làm việc, nhưng chỉ cần khách hàng nói không ưng, mọi cố gắng của bạn, mọi công sức của bạn đều là vô ích.
Những áp lực về thể chất và tâm lý ngày càng lớn.
Không có chỗ nào để trút bỏ, chỉ có thể tích tụ lại, theo thời gian, dần dần, nó khiến bản thân Kiên trở nên bất lực.
Nhưng kể từ khi trở thành một shipper, thắt lưng anh không còn bị đau, chân cũng không bị chuột rút, một phát có thể chạy lên tới tầng 5.
Nói theo cách của Kiên thì là:
“Tôi không hối hận chút nào khi từ chức. Giờ gan nhiễm mỡ của tôi đã không còn. Trở thành ‘người cầm lái’ đã giúp tôi tìm lại chính mình”.
Trong lòng mỗi người đều có một ngọn lửa, nhưng những gì người khác nhìn thấy sau cùng chỉ là một đám khói.
Bạn sẽ chẳng thể hiểu được nếu không thực sự trải qua những cảm giác đó.
Chưa bao giờ làm việc thâu đêm, bạn sẽ không thể hiểu được cảm giác kinh hoàng khi cả cơ thể căng cứng, đầu óc không đủ tỉnh táo.
Chưa bao giờ bị người khác phủ nhận, bạn không hiểu được cảm giác hụt hẫng nó buồn đến mức nào.
Khi không gặp vấn đề về sức khỏe thể chất, bạn sẽ không hiểu rằng thì ra, có một số thứ còn quan trọng hơn tiền bạc.
Không có gì quan trọng hơn hạnh phúc và cơ thể.
Hơn nữa, ai quy định rằng làm shipper sẽ không thành công? Ai quy định rằng chỉ có một con đường để thành công?
Thành công luôn có nhiều hơn một cách.
Hạnh phúc của bản thân mới là thứ quan trọng hơn cả, hơn cả cái gọi là thành công trong mắt người khác
Kiên không phải là người duy nhất từ bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước để đi giao hàng.
Năm ngoái, mạng xã hội Trung Quốc bình luận rất sôi nổi về một bài báo dài 23.000 từ với tiêu đề “Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh quyết định giao đồ ăn”. Bài báo kể về Trương, một thạc sĩ tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, vì công việc không thuận lợi nên anh đã nghỉ việc để trở thành một nhân viên giao hàng.
Trương tốt nghiệp một trường danh tiếng, có bằng thạc sĩ, học vấn cao và một công việc tốt.
Nhưng tất cả đều không phải là những lựa chọn mà anh ấy thực sự muốn.
Trương chưa bao giờ biết mình muốn làm gì, luôn chạy theo mọi người, thi xong đại học, anh vội vàng chọn chuyên ngành, sau khi tốt nghiệp đại học, thấy nhiều người xung quanh học thạc sỹ, anh cũng học theo.
Mọi thứ đang làm trông có vẻ rất hợp lý, nhưng bản thân Trương lại cảm thấy hoàn toàn không hợp lý chút nào.
Bắt đầu từ năm 25 tuổi, Trương trở nên hoang mang, mất phương hướng.
Anh bắt đầu rụng tóc, tăng cân và hay quên không khác gì các cụ.
Anh bắt đầu cảm thấy việc ngồi trong một tòa nhà văn phòng sáng sủa ở Bắc Kinh hàng ngày, nó chẳng có gì khác so với công việc máy móc trong một nhà máy quốc doanh của thế hệ cũ.
Trả tiền cho kiến thức và đi du lịch để tạo ra ảo tưởng rằng mình có thể nhìn thấy thế giới rộng lớn hơn cũng chẳng khác gì việc các cụ mua thực phẩm bổ sung về uống để an ủi rằng mình có thể sống lâu trăm tuổi.
Trương có thể nhìn thấy trước tương lai của mình, rằng anh sẽ trở thành một ông già đầu hói, có một công việc ổn định và sẽ luôn chỉ là một nhân viên cấp trung. Thú vui mỗi ngày là tìm cho mình một vài sở thích, rồi trở về nhà và hỏi bọn trẻ tại sao chúng không trân trọng cuộc sống hiện tại.
Cuộc sống như vậy, Trương trải nghiệm đủ rồi.
Vì vậy, sau khi bạn gái đi nước ngoài, anh quyết định bỏ công việc văn phòng và trở thành một nhân viên giao hàng.
Nghe thì có vẻ bình thường nhưng không tầm thường.
Trương nhận thấy rằng cuộc sống của những nhân viên giao hàng hạnh phúc hơn nhiều so với những người làm việc trong các tòa nhà văn phòng.
Khi thức dậy vào buổi sáng, mục tiêu duy nhất của họ là giao nhiều đồ hơn.
Sau khi ăn xong, chém gió với bạn bè rồi đi xông hơi.
Cố gắng kiếm 8000 – 9000 tệ (27 triệu – 36 triệu đồng) mỗi tháng, ở Bắc Kinh làm vài năm là về quê, xây nhà, cưới vợ, buôn bán nhỏ.
Đó là cuộc sống khiến anh ngưỡng mộ.
Hơn nữa, Trương nói việc giao đồ ăn còn có thể giúp anh giảm cân, có nhiều thời gian rảnh rỗi để làm giàu cho bản thân và có thêm năng lượng để xây dựng thế giới tinh thần của mình.
Anh dần hiểu rằng hạnh phúc của bản thân mới là thứ quan trọng hơn cả, hơn cả cái gọi là thành công trong mắt người khác.
Nghề nào cũng đáng trân trọng, ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng có thể tạo ra được nhân tài
Có ai quy định rằng học cao hơn người khác thì nên biết đường mà cống hiến giá trị của bạn ư?
Ai đó đã nói rằng công việc giao hàng là vô giá trị ư?
Ngay cả trong công việc giao hàng, nhặt rác hay dọn vệ sinh, tât cả đều tồn tại những bậc thầy.
Gần đây, video quay cảnh một ông chú kiếm sống bằng nghề nhặt các thùng các-tông ở Lan Châu, Trung Quốc trở nên rất phổ biến, nhiều video phân tích về ngành và lĩnh vực tài chính của ông trông rất chuyên nghiệp, khác xa với hình ảnh nhặt rác của ông.
Ông ấy nói rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ ở trạng thái chậm lại trong mười năm tới, và ông thậm chí đã được chứng nhận bởi các KOLs chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Ông được người ta ưu ái gọi với cái tên “Buffett ở dân gian”.
Được biết, ở tuổi 29, ông đã là cán bộ cấp sở trẻ nhất trong hệ thống, là giám đốc điều hành cấp cao.
Người như vậy, tuy cuộc sống hiện tại không có gì là “thể diện”, nhưng những kiến thức trong đầu thì không phải là tầm thường.
Bạn có tư cách gì mà coi thường người ta?
Thực ra, xung quanh ta chưa bao giờ thiếu những “cao thủ ngầm”, điều thiếu sót chính là sự tinh mắt để phát hiện ra họ.
Nghề nào cũng đáng trân trọng, ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng có thể tạo ra được nhân tài.
Làm những gì bạn thích mới là điều quan trọng nhất
Không ai quy định rằng bạn phải làm trong một ngành cả đời, làm những gì bạn thích mới là điều quan trọng nhất.
Vương Kiện Lâm (tỷ phú người Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt cùng hệ thống rạp chiếu phim AMC rộng nhất thế giới. Ông cũng nắm giữ 20% cổ phần của công lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atlético Madrid và là người giàu nhất châu Á cho đến hết năm 2016), trở thành nhân viên của Cục Lâm nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Vào cái thời đó, đó là một công việc quá tốt.
Miễn là làm đúng chức trách của mình, bạn sẽ có thể sống một cuộc sống bình thường ổn định tới già.
Nhưng cái tính không thể ngồi yên của mình đã khiến ông bỏ việc và trở thành một người lính, ông đến học tại Học viện Lục quân Đại Liên thông qua giới thiệu.
Năm 1988, Vương Kiện Lâm, khi ấy 34 tuổi, trở thành giám đốc văn phòng ủy ban nhân dân địa phương, lúc này, ông còn trẻ, có năng lực và dũng cảm. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn, “Tôi đã có cơ hội làm việc trong tỉnh ủy vào thời điểm đó”
Đó là một công việc với tương lai vô cùng tươi sáng.
Tuy nhiên, khi ấy trào lưu buôn bán nở rộ, Vương Kiện Lâm cũng theo thời thế, dứt khoát nghỉ việc để “ra biển” làm ăn.
Thời điểm đó, chắc chắn đã có nhiều tiếng nói phản đối và cả sự khó hiểu, nhưng nhìn lại, chính sự kiên trì của Vương Kiện Lâm đã tạo nên một tỷ phú như ngày hôm nay.
Con người sống, không phải vì người khác, mà là vì chính mình.
Trong mắt người khác, địa vị của bạn và mọi thứ về bạn đều là ánh hào quang.
Tuy nhiên, chỉ bạn mới biết tất cả những thứ đó có phải là điều mà bạn muốn hay không.
Nếu bạn đủ yêu thích nó, dù là nghề gì, bạn vẫn có thể tỏa sáng.
Không có công việc bình thường, chỉ có những người bình thường.
Công việc không phân cao thấp, mấu chốt nằm ở người thực hiện.
Dù đang ở vị trí nào, cũng đừng từ bỏ bản thân, hãy hướng về phía trước với tình yêu và nhiệt huyết trong trái tim mình.
Rất nhiều khi, sự lựa chọn của số phận nằm trong tay chính chúng ta.
Khi các lựa chọn xuất hiện, hãy xem liệu bạn có thể nắm lấy chúng hay không.
Không chỉ có một nơi duy nhất để tỏa sáng trong cuộc đời, nó ở khắp mọi nơi.
Không phải cuộc sống với mức lương hàng tỷ đồng mỗi năm mới là đáng sống, những gì phù hợp với bạn, đó mới là tốt nhất.
Theo Trí thức trẻ