So với sa thải, đánh mất 5 thứ này còn đáng sợ hơn
Với làn sóng sa thải khó lường như hiện tại, có sự chuẩn bị trước là một hành động khôn ngoan.
Nhắc đến sa thải, dù là câu chuyện của một người quen nào đó hay của hàng trăm nghìn nhân sự công nghệ ở Mỹ, hầu hết mọi người đều có thái độ không mấy tích cực. Đa phần là chỉ trích công ty, bày tỏ sự lo lắng, tức giận và hoảng loạn.
Tất nhiên thái độ này không phải là điều gì đáng lên án nhưng nó cho thấy rằng nhiều người không hiểu rõ về sa thải. Họ chỉ có cảm xúc nhất thời mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho tương lai.
Nhưng nếu chuẩn bị được 5 điều dưới đây thì ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh tệ nhất là sa thải, bạn cũng sẽ vững vàng vượt qua.
01
Quan trọng là thái độ
Trong giai đoạn này, điều quan trọng nhất không được đánh mất chính là tâm lý.
Bởi thông thường, tâm lý của mọi người đều sẽ bị bóp méo bởi sự sợ hãi và tức giận. Vì lo mình sẽ bị sa thải, lo không tìm được việc làm phù hợp và tức giận khi biết mình phải nghỉ việc sau nhiều năm cống hiến nên mỗi ngày bạn đều thầm mắng công ty mà không có động thái đối mặt nào.
Vậy thế nào là một thái độ làm việc tốt và chuyên nghiệp? Đó là làm cho năng lực của bản thân phù hợp với lợi ích của công ty. Khi bạn đã có kinh nghiệm và có nhiều cống hiến cho công ty, khả năng bị sa thải sẽ thấp hơn. Cho dù bị sa thải thì bạn vẫn đủ năng lực để tìm một công việc tốt hơn, thậm chí có thu nhập cao hơn.
02
Dũng cảm đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình
Hãy tìm hiểu chi tiết và đầy đủ về tiền bồi thường sa thải của mình.
Can đảm một chút, hỏi nhiều một chút,… tất cả đều sẽ giúp cho quá trình chia tay của bạn với công ty diễn ra nhanh chóng và đúng quy định. Các sếp cũng không muốn nhân viên sắp ra đi gây thêm phiền toái nên khi thẳng thắn trao đổi, chỉ cần tự tin và dũng cảm đưa ra những yêu cầu hợp lý của mình.
03
Đừng bị cuốn vào tranh chấp vô nghĩa
Sau khi biết về khoản bồi thường, nếu bạn muốn con số lớn hơn, nhiều yêu cầu hơn nhưng công ty không thể đáp ứng thì hoàn toàn có nguy cơ dẫn đến tranh chấp hay kiện tụng. Hãy thử suy xét xem bản thân có đủ khả năng chi trả cho các chi phí liên quan không.
Giữa việc mất nhiều tháng trời, tốn năng lượng và tâm trạng, phải chi một khoản tiền không nhỏ để theo đuổi tranh chấp với việc nhanh chóng chuẩn bị cho công việc tiếp theo, cái nào đem lại lợi ích hơn, bạn là người biết rõ nhất.
Tất nhiên ai cũng sẽ ủng hộ những người dũng cảm theo đuổi quyền và lợi ích chính đáng. Nhưng đôi khi bạn cũng phải xem xét liệu những được – mất về lâu dài có xứng đáng hay không. Có thể bạn sẽ nhận được tiền bồi thường nhiều hơn một chút nhưng ngược lại, trong vài tháng đó bạn đã bỏ lỡ một cơ hội việc làm tốt.
Còn một điều nữa, nếu bạn đẩy ông chủ của mình vào chân tường, người ta sẽ làm bất cứ điều gì để lấy lại. Nghe hơi phũ phàng nhưng đó là sự thật. Tôi từng được nghe một câu chuyện thế này, một nhân viên sau khi bị sa thải đã dựa vào những mánh khóe của mình để kiếm được khoản tiền không nhỏ. Nhưng sau đó nhân viên này đã không còn tìm thêm được bất kỳ việc làm nào trong ngành.
04
Định giá lại bản thân trên thị trường
Rõ ràng ai cũng mong muốn có mức lương cao hơn khi đi tìm việc mới. Nhưng trước đó, đã bao giờ bạn nghiêm túc nhìn nhận lại giá trị bản thân và tình hình công việc trong lĩnh vực của mình chưa? Hãy bắt đầu với những câu hỏi dưới đây:
Tốc độ phát triển ngành nghề của bạn đang ở giai đoạn nào?
Khả năng tạo giá trị của bạn đã tăng lên hay thấp hơn trước đây?
Nghề nghiệp của bạn có còn hot nữa không?
…
Có thể công việc của bạn từng được chú trọng trong quá khứ nên có mức lương cao nhưng ở thời kỳ hỗn loạn như hiện tại, bạn cần thay đổi cách đánh giá. Muốn khách quan hơn, bạn phải tìm hiểu thông tin trên thị trường này. Ví dụ tâm sự với những người ở công ty khác trong ngành, mức lương của họ so với ban đầu đã tăng hay giảm hay vẫn như cũ,…
05
Nhanh chóng đi tìm việc mới
Bước tiếp theo cũng không khó đoán, đó là đi tìm công việc phù hợp. Bởi lẽ ngay cả khi làn sóng sa thải đang diễn ra, cũng có nhiều công ty tuyển người vì để tìm được một nhân sự phù hợp với yêu cầu công việc, văn hoá công ty không phải chuyện dễ dàng. Giữa việc mò mẫm ứng viên trên các ứng dụng hay web tuyển dụng và một hồ sơ được người quen giới thiệu, bộ phận nhân sự sẽ ưu tiên cách thứ 2 hơn.
Đây là lúc tận dụng các mối quan hệ xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp hay chính sếp của bạn. Một lần nữa, hãy dũng cảm giới thiệu bản thân và để mọi người giới thiệu mình đến người khác.
Khi có một cuộc phỏng vấn mới, cũng đừng nói xấu công ty cũ hay sếp cũ. Bởi lẽ người phỏng vấn sẽ dễ dàng cho rằng đó là những lời nói phiến diện, đánh giá rằng cảm xúc của bạn không ổn định, không đủ trưởng thành. Và quan trọng hơn là không ai muốn nhận một người luôn phàn nàn, bất bình.
Tạm kết
Trong làn sóng sa thải, nếu bạn bị cuốn vào cũng không có gì đáng xấu hổ. Thứ nhất, đó là tình hình chung. Thứ 2 không phải do bạn không có năng lực. Bạn phải tin tưởng vào chính mình hơn ai hết, những gì bạn có thể làm là thể hiện giá trị và chứng minh năng lực của mình trên thị trường lao động.
Hãy chuẩn bị tinh thần rằng mùa xuân sẽ không bao giờ trở lại, nhưng cũng đừng mất niềm tin vào mùa xuân nhé!
Theo Trí Thức Trẻ