Khả năng chống lại rủi ro trong công việc
Có một câu hỏi lựa chọn thế này: Theo bạn, đâu là trạng thái ít rủi ro hơn trong công việc?
A: Tôi làm việc ở một công ty lớn đã mười năm. Tình hình kinh doanh của công ty rất ổn định, công việc thuận lợi, quan hệ của tôi với đồng nghiệp và cấp trên cũng rất hài hòa. Nhìn chung đó là một công việc lương cao, có áp lực nhưng không có bất mãn.
B: Tôi làm việc tự do, thu nhập không ổn định. Ngoài nhóm khách hàng quen tôi vẫn đang cố gắng mở rộng, tìm kiếm thêm khách hàng mới.
Hẳn nhiều người đều cảm thấy rằng A ít rủi ro hơn trong khi B đem lại cảm giác bấp bênh hơn.
Tuy nhiên chứng kiến ảnh hưởng của dịch bệnh, làn sóng đóng cửa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mới nhất là làn sóng sa thải, nhìn những người từng có thu nhập cao bỗng dưng thất nghiệp, bạn có còn coi A là trạng thái ổn định nữa không? Nếu tinh ý hơn nữa, nhiều người còn nhìn thấy được sự rủi ro tiềm ẩn trong trạng thái này.
Thực tế, rủi ro lớn nhất trong cuộc sống không phải là không ổn định mà bạn luôn nghĩ rằng mình rất ổn định. Điều này khiến bạn mất đi khả năng chống lại những biến cố.
Nassim Nicholas Taleb, tác giả của cuốn sách Khả năng cải thiện nghịch cảnh: Hưởng lợi từ hỗn loạn, tin rằng sự hỗn loạn, mất cân bằng hay những trạng thái mà chúng ta thường coi là tồi tệ trên thực tế lại là cách tốt nhất để đối phó với rủi ro. Vì vậy trạng thái không ổn định B lại có nhiều khả năng giúp bạn vượt qua thời kỳ hỗn loạn này.
Tất nhiên trạng thái B không phải là tuyệt đối an toàn, bởi nó cũng chỉ là một nguồn thu nhập, cái khác ở chỗ đến từ nhiều khách hàng. Nếu có thêm một nguồn thu nhập khác, nó không chỉ làm tăng cảm giác an toàn về tâm lý mà còn giúp bạn duy trì sự bình tĩnh và trạng thái tinh thần ổn định sau khi mất việc.
Đánh giá đúng khả năng chống rủi ro của bạn
Có người nói “Tôi có tiền tiết kiệm, có thể sống 1 năm mà không cần làm việc”.
Không thể phủ nhận vai trò của tiền tiết kiệm khi đối phó với những rủi ro nhưng tiết kiệm không giải quyết được áp lực tâm lý. Mất đi nguồn thu nhập duy nhất không chỉ là khó khăn về tài chính mà tệ hơn là tâm trạng thất vọng, sự trống rỗng khi không có gì để làm và tiền tiết kiệm càng sử dụng thì càng vơi đi và khiến bạn càng hoảng loạn.
Có người nói “Chỉ cần làm việc chuyên nghiệp, không sợ không tìm được công việc mới”.
Về mặt lý thuyết, đây là suy nghĩ hoàn toàn đúng đắn. Nhưng họ đã bỏ qua những tác động ngoại cảnh và đánh giá quá cao khả năng chống lại rủi ro của mình.
Bởi lẽ thị trường nhân sự đầy tính cạnh tranh còn họ lại quen với một công việc ổn định nên dễ bị khủng hoảng tâm lý trong thời gian đầu, nhìn việc gì cũng thấy không vừa mắt. Thậm chí khi biết rõ nền kinh tế chung không tốt nhưng họ vẫn nằng nặc đòi hỏi mức lương cao vì muốn giữ sự tự tôn. Cuộc khủng hoảng tâm lý này rất có thể biến thành khủng hoảng cuộc sống.
Đa dạng hóa thu nhập không chỉ là đầu tư
Đa dạng hóa thu nhập hiểu một cách đơn giản nhất là có nhiều hơn một nguồn thu nhập. Bạn có thu nhập đến từ nhiều nguồn chứ không chỉ dựa vào nguồn lương hàng tháng từ công việc đang làm mỗi ngày.
Cách dễ thấy nhất để đa dạng hóa thu nhập là đầu tư BĐS, kinh doanh,… Nhưng về bản chất, đầu tư và đa dạng hoá thu nhập là 2 phạm trù có mục đích khác nhau. Đa dạng hóa thu nhập là để chống lại những rủi ro bất ngờ còn đầu tư tài chính là để bảo toàn và làm tăng tài sản trong thời gian lâu dài.
Thường thì khi bạn gặp khó khăn về tài chính, việc đầu tư cũng khó khăn hơn. Nhưng đa dạng hóa thu nhập thì kể cả khi bạn thất nghiệp, những nguồn thu khác vẫn hoạt động, giúp bạn duy trì cuộc sống.
Nhưng đa dạng hóa nguồn thu nhập thông qua đầu tư thường là của những người ở độ tuổi trung niên, từ 35 tuổi trở lên. Bởi lúc này họ đã có tiền tiết kiệm đáng kể, dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư và hơn hết, họ có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Với người trẻ, tiền tiết kiệm không nhiều, hàng ngày vẫn phải lo lắng về tiền sinh hoạt nên đa dạng hóa thu nhập phải dựa vào một công việc cụ thể.
Đa dạng hóa thu nhập cũng không chỉ là làm thêm sau khi tan sở
Đa dạng hóa thu nhập giống “tìm việc làm thêm” ở chỗ đều giúp kiếm nhiều tiền hơn nhưng chúng cũng có sự khác biệt rõ ràng.
“Việc làm thêm sau khi tan sở” đơn thuần là để tăng thu nhập. Có hai điều kiện tiên quyết dẫn đến việc này là thu nhập thấp và có thời gian rảnh rỗi.
“Đa dạng hóa thu nhập” không nhất thiết là thu nhập thấp, nó chỉ giải quyết vấn đề về một nguồn thu nhập duy nhất. Thậm chí nó còn phù hợp với những người có thu nhập trung bình, có năng lực ở nhiều lĩnh vực và phải gánh vác gia đình. Nó tập trung cơ cấu thu nhập kép, tức là tiền lương 20 triệu + 10 triệu đến từ nguồn thu khác sẽ được đánh giá cao hơn chỉ một khoản lương 30 triệu.
Đa dạng nguồn thu nhập còn nhấn mạnh vào tính phong phú, đòi hỏi danh mục các nguồn thu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Bởi vì khi có sự khác biệt rõ ràng giữa các nguồn thu nhập thì nó mới phát huy tác dụng chống rủi ro. Rủi ro càng lớn thì khả năng chống đỡ càng mạnh mẽ.
Ví dụ chuyên viên kinh doanh và viết lách nghiệp dư thì đa dạng nhưng biên tập viên và viết lách tự do thì ít tính đa dạng hơn. Nhân viên văn phòng và tài xế công nghệ thì đa dạng nhưng chuyển phát nhanh và giao đồ ăn thì không.
Đa dạng hóa thu nhập nên là một cách tư duy
Vì vậy có thể thấy đa dạng nguồn thu nhập không chỉ là cách làm việc hay kiếm tiền mà còn là cách tư duy, thể hiện ở 3 khía cạnh:
1. Tính lâu dài
Với dân văn phòng, nhiều người thắc mắc nếu dùng kiến thức và kỹ năng đang có trong công việc chính để nhận thêm công việc bên ngoài có phải là đa dạng thu nhập không?
Nhìn thuần tuý từ góc độ tăng thu nhập thì câu trả lời là không. Vì nó không khác gì công việc mà bạn đang làm, chỉ khác ở người trả lương. Nhưng nhìn từ góc độ tăng nguồn khách hàng, đây cũng là một hình thức đa dạng hóa thu nhập, với điều kiện bạn phải ý thức được việc tích cực duy trì khách hàng.
Nếu bạn cảm thấy đối phương có lượng công việc khá nhiều, đều đặn và không tốn nhiều thời gian hay chi phí đầu tư thì hãy cố gắng kéo dài. Tính lâu dài này sẽ biến hành động nhận việc bên ngoài thành một nguồn thu liên tục.
2. Tăng độ “sắc bén” của bạn
Ngoài việc tạo ra dòng tiền, đa dạng thu nhập còn mang ý nghĩa tinh thần. Khi cảm giác an toàn tăng lên, bạn thấy tự tin hơn trong cuộc sống thì sẽ bỏ qua những lựa chọn thông thường để theo đuổi những thứ rủi ro hơn nhưng lợi nhuận cũng cao hơn.
Lưu Từ Hân – một nhà văn khoa học viễn tưởng Trung Quốc đã viết tất cả tác phẩm khoa học viễn tưởng của mình khi đang làm kỹ sư trong nhà máy điện. Điều này dựa vào đặc thù công việc, nhà máy điện yêu cầu nhân viên phải có mặt bất cứ lúc nào trong trường hợp khẩn cấp nhưng hầu hết thời gian làm việc lại không có công việc cụ thể nào. Thời gian dành cho 2 công việc này của Lưu Từ Hân đan xen và bổ sung cho nhau một cách vừa vặn.
Với đa dạng nguồn thu nhập, nguồn thu chính luôn ổn định ở mức cơ bản cũng rất quan trọng. Nếu Einstein làm nhân viên văn phòng trong một công ty lớn, có tính cạnh tranh thay vì làm công chức ở văn phòng cấp bằng sáng chế thì ông sẽ không có thời gian để nghiên cứu thuyết tương đối.
3. Đừng để khủng hoảng xảy ra mới nghĩ đến việc đa dạng hóa thu nhập
Ngay sau khi công việc của bạn đi vào trạng thái tương đối ổn định, bạn nên bắt đầu nghĩ về một khoản thu nhập khác. Và phải nhắc lại một lần nữa, bạn không nên bị đánh lừa bởi sự ổn định của các công ty lớn.
Ảo tưởng do sự ổn định của các tập đoàn lớn tạo ra giống như một trang trại gà. Hàng ngày mỗi con gà tây được cho ăn cho uống và nó tin vào lòng nhân từ của người nông dân cho đến ngày lễ Tạ ơn (gà tây là món ăn truyền thống trong lễ Tạ ơn).
Sở dĩ một công ty lớn ổn định bởi vì hệ thống và văn hoá công ty là trên hết, quyền lợi của bất kỳ nhân viên nào cũng không đáng kể, bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể bị sa thải. Vì vậy không bao giờ là muộn để xây dựng một cấu trúc thu nhập đa dạng phù hợp với mình cả.
Theo Phụ Nữ Việt Nam