Nhiều người trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc “đại từ chức”: Nuối tiếc công việc cũ, nhớ đồng nghiệp, không thể tìm được sự cân bằng
Thời gian gần đây, làn sóng sa thải đã và đang diễn ra gây khó khăn cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp. Song song đó, cũng có một đợt nghỉ việc hàng loạt của nhiều nhân sự gây chú ý và ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều người gọi đây là một cuộc “đại từ chức”.
Năm 2022 được ghi nhận là một năm kỷ lục nữa về số người nghỉ việc – 4,1 triệu nhân sự đã nghỉ việc vào tháng 12, nâng tổng số người nghỉ việc trong năm lên hơn 50 triệu. Khoảng 47 triệu người đã nghỉ việc vào năm trước đó, lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn là những động lực khiến họ rời đi. Hiện tại, một nghiên cứu mới của Paychex cho biết, 8 trong số 10 nhân sự rời bỏ công việc của họ, hối hận về quyết định này.
Paychex đã khảo sát 825 nhân viên nghỉ việc trong thời gian “đại từ chức” và 354 nhà tuyển dụng để phân tích tác động của việc nghỉ việc và đánh giá mức độ hài lòng trong công việc của nhân viên.
Khảo sát cho thấy, các yếu tố như sức khỏe tinh thần, work-life balance (sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống), các mối quan hệ nơi làm việc và cơ hội được tuyển dụng lại đều chịu tác động từ “đại từ chức”.
Gen Z bị ảnh hưởng nhiều nhất
Theo Paychex, các nhân viên Gen Z hồi tưởng về công việc cũ của họ nhiều nhất. Một con số khổng lồ khi 89% Gen Z nói rằng họ hối hận khi bỏ việc và kết quả là sức khỏe tinh thần của họ ngày càng suy giảm.
“Việc ‘đại từ chức’ đã khiến những nhân viên đang tìm kiếm cơ hội mới hối tiếc. Trong số những điều hối tiếc đó, nhân viên có nhiều khả năng nhớ đồng nghiệp của họ nhất”, Jeff Williams, phó chủ tịch giải pháp nhân sự và doanh nghiệp tại Paychex, nói với CNBC Make It. “Những tình bạn này tạo ra cảm giác cộng đồng giữa các nhân viên, tạo ra văn hóa công ty tích cực – một điều khác mà nhân viên đã bỏ lỡ ở công việc trước đây của họ”.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cứ 10 người thì có 9 người cho biết họ đã chuyển ngành sau khi nghỉ việc và các nhân sự đã chuyển ngành có khả năng hối hận về lựa chọn của mình cao hơn 25% so với những người vẫn làm trong cùng một ngành. Gen Z có nhiều khả năng bỏ lỡ công việc ở văn phòng nhất và Gen X (những người sinh từ năm 1965 đến 1980) bỏ lỡ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống từ công việc trước đây của họ nhiều nhất”.
Có vẻ, những đặc quyền, phúc lợi và văn hóa công ty… không đủ làm những người lao động trẻ hài lòng, đó là nguyên nhân khiến họ tham gia vào cuộc đại từ chức.
“Mặc dù nhiều người xin nghỉ việc vì vấn đề sức khỏe tinh thần và work-life balance (sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống), nhưng trong khảo sát, chỉ một nửa số người cho biết họ hài lòng với 2 yếu tố này ở nơi làm việc mới. Cụ thể, là 54% cho sức khỏe tinh thần và 43% cho work-life balance. Thật không may, báo cáo cho thấy mức độ cân bằng giữa sức khỏe tinh thần và work-life balance của Gen Z đang ở mức thấp nhất”.
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại tuyển lại “người cũ”
Trong khi phần lớn các nhà tuyển dụng nói rằng họ sẵn sàng tuyển dụng lại những người nhảy việc, thì một số lại do dự hơn, đặt câu hỏi về lòng trung thành của những nhân viên boomerang (những nhân viên cũ quay lại làm việc).
Khi được hỏi liệu họ có sẵn sàng thuê lại những nhân viên đã nghỉ việc trong cuộc “đại từ chức” hay không, 27% nhân viên trả lời là có và họ đã thuê lại ít nhất một nhân viên cũ. 43% nói có, nhưng họ vẫn chưa từng thuê lại nhân viên cũ và 30% nói không.
Williams giải thích: “Thông thường, chúng tôi tin rằng ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng cởi mở hơn với ý tưởng nhân viên ‘boomerang’ quay trở lại công ty. Thị trường lao động chật hẹp, kỹ năng chuyên môn, thời gian hoàn thành công việc và hiểu biết về chất lượng công việc mong đợi đều được các nhà quản lý tuyển dụng liệt kê như các lý do. Những người do dự trong việc tuyển dụng lại nhấn mạnh lòng trung thành, mức lương mong đợi và sự nghi ngờ tiềm ẩn về động cơ của nhân viên”.
“Nhiều nhà tuyển dụng muốn hoặc đã cho những nhân viên trên cơ hội trở lại làm việc, đặc biệt khả năng này cao hơn với các doanh nghiệp cỡ trung. Nhưng đối với những người khác, lòng trung thành dường như là yếu tố khiến các nhà tuyển dụng không chào đón họ trở lại. Nhân viên cũ được tăng lương 7%, nhưng 38% người sử dụng lao động không sẵn sàng cung cấp lợi ích mới cho nhân viên cũ. Gần một phần ba số người sử dụng lao động sẽ không cân nhắc việc tuyển lại nhân sự cũ và những người sử dụng lao động phổ thông có nhiều khả năng cảm thấy như vậy hơn 17% so với những người sử dụng lao động cho công việc bàn giấy, nhân viên văn phòng”.
Thay đổi với khởi đầu mới
Việc dành thời gian để ôn lại những ngày cũ tươi đẹp là điều tự nhiên, nhưng Williams khuyên người lao động không nên đắm chìm trong quá khứ quá lâu.
“Hoài niệm là kẻ thù của sự trưởng thành. Hãy thực tế và tiến về phía trước nếu chủ cũ của bạn không tuyển dụng lại bạn. Nhận ra giá trị của bạn, tin vào bản thân và bước tiếp.
Khi nhân viên tìm ra cách lật ngược tình thế, Williams gợi ý “hãy bắt đầu với một góc nhìn mới mẻ về những gì bạn có thể kiểm soát”.
“Ví dụ, bạn kiểm soát việc để một người bạn đáng tin cậy xem xét sơ yếu lý lịch của bạn. Bạn kiểm soát việc tạo kết nối trên LinkedIn. Bạn kiểm soát việc tham gia các sự kiện tạo mạng lưới mối quan hệ, tham gia một khóa học ban đêm để cải thiện kỹ năng của mình và tạo cho mình sự duyên dáng trong quá trình tìm kiếm”.
Williams cũng gợi ý rằng người lao động nên cố gắng tránh nhảy việc trong tương lai để đưa “sự ổn định” trở lại vào sơ yếu lý lịch, và rằng mặc dù hiện tại mọi thứ có vẻ ảm đạm, nhưng nó sẽ không tồn tại mãi mãi.
“Cuộc đại từ chức đã thay đổi không chỉ nơi làm việc mà còn thay đổi cả tư duy của những người đang tìm kiếm cơ hội làm việc tốt hơn. Tin tốt là có hy vọng cho những người nhảy việc đã ‘suy nghĩ lại’ về quyết định từ chức của họ. Nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng thuê lại nhân viên cũ và cải thiện lợi ích của họ”.
Theo Trí Thức Trẻ