Nghề thú vị hàng đầu thế giới: Du lịch 140 quốc gia, 16 cuốn hộ chiếu
Ramji Natarajan hiện có công việc hết sức đặc biệt. Ông chuyên đi tìm kiếm địa điểm để quay những bộ phim của Bollywood. Nhờ đó, ông đã đặt chân đến 140 quốc gia trên thế giới.
Cung điện Mariyinsky ở Kyiv có màu xanh lam – đó là nơi ở của tổng thống Ukraine và cũng là một phần phong cảnh quan trọng trong bộ phim bom tấn RRR của Ấn Độ mới đây.
Cung điện và công viên xung quanh là địa điểm thực hiện một trong những phân cảnh tham vọng nhất của bộ phim có kinh phí lớn này. Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Ram Charan Teja, Nandamuri Taraka Rama Rao, 50 vũ công, 300 diễn viên quần chúng và một dàn nhạc.
Thực hiện các cảnh phim ở Ukraine là ý tưởng của “chuyên gia địa điểm” Ramji Natarajan. Tại thủ đô Kyiv, 1.000 người của đoàn phim đã ở đây trong 27 ngày để thực hiện các cảnh quay và Natarajan là người sắp xếp chỗ ăn ở cho từng ấy người.
Tính đến nay, Natarajan đã giúp 1.000 bộ phim thực hiện các cảnh quay ở 75 quốc gia khác nhau. Trách nhiệm của ông là phải cung cấp khung cảnh độc đáo và mang lại hiệu quả về chi phí cho các nhà làm phim.
Phim Bollywood thường liên quan đến nhiều bài hát, vũ đạo và hành động, vì vậy nhiều nhà làm phim Ấn Độ thích các địa điểm ở nước ngoài, đám đông dễ quản lý hơn và việc xin phép quay phim cũng thường đơn giản hơn nhiều so với ở Ấn Độ.
Trước năm 1996 không có nhiều nhà làm phim ra nước ngoài. Nhưng đến năm 1996, chính phủ Ấn Độ đã cấp phép để việc ra nước ngoài làm phim trở nên đơn giản hơn. Kể từ đó, các địa điểm đẹp như Thụy Sĩ nhanh chóng được các nhà làm phim của Ấn Độ ưa chuộng.
Dự án tìm kiếm địa điểm đầu tiên của ông là cho bộ phim Rudranetra, được quay ở Malaysia và Singapore vào năm 1988. “Đó là sự khởi đầu cho cuộc hành trình của tôi với tư cách là một chuyên gia địa điểm”, ông nói.
Natarajan bắt đầu sự nghiệp là một diễn viên nhưng không ghi được nhiều dấu ấn. Sau đó, ông thành lập Travel Masters India vào năm 1991.
Công việc của ông không chỉ là tìm kiếm địa điểm quay phim. Nó bao gồm việc tư vấn cho khách hàng về địa điểm, sắp xếp vé, đặt khách sạn, xin thị thực, di chuyển thiết bị kỹ thuật, tư vấn về việc giảm thuế, giảm giá, di chuyển một ekip lên đến 100 người và điều hành toàn bộ các hoạt động khác xung quanh việc quay phim.
“Tôi luôn đến thăm một địa điểm trước khi giới thiệu nó cho khách hàng của mình, sau đó là rất nhiều cuộc thảo luận với đạo diễn, nhà sản xuất và đội ngũ. Nói chung, cần ít nhất 3 chuyến đi để xác định vị trí và bắt đầu thực hiện cảnh quay”, ông giải thích.
Một số địa điểm hiếm mà Natarajan đã tới gồm có: cánh đồng muối Salar de Uyuni ở Bolivia – nơi quay cảnh khiêu vũ cho bộ phim Sarrainodu (2016); một bãi biển cát đen hẻo lánh ở Iceland cho bài hát ăn khách Gerua, xuất hiện trong bộ phim Dilwale (2015) của Rohit Shetty.
Theo một bài báo trên tờ Hindustan Times, bộ phim Dilwale là lý do dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng khách du lịch từ Ấn Độ đến Iceland. Những bộ phim này đóng vai trò là nơi quảng bá miễn phí cho những quốc gia mà nó thực hiện.
Natarajan đã đưa các nhà sản xuất và đạo diễn đi khắp nơi từ Hồ Baikal ở Siberia, đến Đông Java ở Indonesia, Machu Picchu ở Peru và Bắc Macedonia, nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng như kế hoạch.
“Một lần, khi chúng tôi đến Uzbekistan, máy quay và thiết bị của chúng tôi bị tịch thu tại sân bay. Đó là một trải nghiệm khủng khiếp. Đôi khi, nếu các đối tác địa phương của bạn không mạnh, họ sẽ khiến bạn thất vọng nặng nề”, ông nhớ lại.
Công việc của Natarajan đã khiến ông trở thành chuyên gia trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế, mang lại hiệu quả lớn về chi phí. Ví dụ, đối với bộ phim hành động kinh dị Mersal năm 2017, ông đã giúp chuyển đổi Nhà hát Quốc gia Macedonian ở Skopje thành nhà hát opera Palais Garnier của Paris. Với ekip lên đến 1.000 người và một cảnh quay kéo dài 10 ngày, Natarajan ước tính rằng việc quay phim ở Paris sẽ tốn kém gấp 10 lần so với việc thực hiện ở Bắc Macedonia.
Hay khi các nhà sản xuất phim cần những kỹ thuật viên giỏi và những ngọn núi tuyết ở Canada, Natarajan đã gợi ý đến Bulgaria, nơi quay Shivaay (2016), hoặc là Azerbaijan, nơi mà các thành phố có thể dễ dàng sánh ngang với Dubai hoặc Paris – đặc biệt là vào ban đêm. Người dân ở đây cũng cực kỳ thân thiện, điều này giúp cho việc quay phim trở nên dễ dàng hơn.
Theo ông, tài sản quý giá nhất của ông là 16 cuốn hộ chiếu, dán đầy tem visa từ khắp nơi trên thế giới. Ông đã đến 140 quốc gia, gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia và được các nước như Thụy Sĩ, Tây Ban Nha tôn vinh là đại sứ du lịch.
Ông là một trong những người đầu tiên sắp xếp để quay các bộ phim Bollywood ở Nam bán cầu. Từ năm 1997 đến năm 2010, ông đã bố trí 145 phân đoạn phim ở New Zealand – nơi được thay thế cho Thụy Sĩ khi mùa đông tới.
Ông có 30 dự án ở 8 quốc gia đang được triển khai. “Tôi đang xem xét việc tìm địa điểm cho các bộ phim ngoài Ấn Độ – chẳng hạn như phim Nhật Bản, cần được quay ở châu Âu”.
“Điều tôi thích ở công việc này là nó chứa đầy trải nghiệm và kiến thức phong phú. Với công việc này, tôi có thời gian để tự mình khám phá một địa điểm mới. Mỗi ngày đều khác nhau, và nó mang lại cho tôi cơ hội gặp gỡ mọi người tới từ nhiều quốc gia. Tôi cảm thấy sự giàu có thực sự là được đi du lịch, vì nó mang lại cho bạn kiến thức sâu sắc và sự hiểu biết về thế giới. Đó là điều vô giá”, ông chia sẻ.
Theo Vietnamnet