Nhiều người cho rằng, việc tiêu 10 triệu/tháng khi sống ở các thành phố lớn rất chật vật, phải gói ghém lắm mới đủ. Ấy vậy mà mức lương cứng 10 triệu bây giờ vẫn là mơ ước của rất nhiều người trẻ. Có những người phải phấn đấu cả mấy năm trời mới đạt được mức lương đó. Như Nam Lê (25 tuổi, Sài Gòn, làm an ninh mạng), khi nhận công việc đầu tiên vào năm 22 tuổi chỉ với mức lương cứng 7 triệu đồng/tháng. Phải mất đến tận 3 năm sau, anh chàng mới đạt được mức lương cứng 10 triệu trong nghề. Dĩ nhiên có nhiều phụ cấp đi kèm theo lương, nhưng Nam Lê cho biết: “Lương cứng bao giờ cũng là một con số đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc kiếm tiền”.
Mới đi làm được khoảng 2 năm, Thu Thảo (23 tuổi, Đắc Lắc), hiện đang làm kế toán viên cho một công ty về xuất nhập khẩu, với mức lương khởi điểm khoảng 6,5 triệu đồng, Thảo cho biết: “Cái nghề mình đang theo đuổi quả thực là vừa vất vả, vừa có đãi ngộ không tốt. Mức lương trung bình của kế toán khi mới ra trường chỉ quanh quẩn đâu đó 5-7 triệu đồng/tháng. Phải liên tục làm việc với số liệu, cố gắng trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, và không ngừng nâng cấp bằng mới đạt được mức lương cứng 10 triệu như những ngành nghề khác. Tuy có nhiều ngách kiếm tiền, nhưng để đạt được mức lương cứng 10 triệu, thì gần nửa năm nay mình đã phải đăng ký những khóa học nâng bằng. Quả thực, tiền không dễ kiếm chút nào!”.
Cả Nam Lê và Thu Thảo chia sẻ hành trình để đạt được mức lương cứng 10 triệu, đều rất gian nan.
Đặt mục tiêu không ngừng tăng lương cứng
Có những ngành nghề đặc thù lương cứng trong ngành rất cao, sở hữu con số 10 triệu đồng rất dễ dàng. Nhưng một số khác thì không!
Thu Thảo (23 tuổi) chia sẻ: “Nhiều người cho rằng làm kế toán thì kiếm được rất nhiều tiền. Điều này đúng, nhưng đó là chuyện của nhiều năm sau này, khi bạn tích đủ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và các mối quan hệ. Mình hiện tại đang làm trong công ty của chị gái, chị mình cũng là một kế toán trưởng cực kỳ xuất sắc, sở hữu mức lương hơn 50 triệu mỗi tháng. Nhưng hành trình đấy quả thực rất dài, cần bỏ nhiều công sức. Đó cũng là một trong những động lực giúp mình duy trì công việc hiện tại.
Còn mục tiêu ngắn hạn trong năm nay của mình, là đạt được mức lương cứng 10 triệu/tháng. Để làm được điều này, mình đã lên một lộ trình khá chi tiết, cũng là kinh nghiệm mình học hỏi được từ chị gái.
Ban đầu, khi chấp nhận mức lương cứng 6,5 triệu đồng/tháng, mình cũng có chút bất ngờ vì không nghĩ là lại thấp như vậy. Nhưng khảo sát một loạt công ty mình có khả năng trúng tuyển, thì lương đều sàn sàn như nhau. Chính vì thế, để được tăng lương nhanh chóng hơn, buộc mình phải học hỏi thêm một số lĩnh vực khác liên quan. Hiện tại, mình đang vừa làm việc 8 tiếng/ngày, vừa dành thêm 4 tiếng để học thêm 2 bằng: 1 bằng kiểm toán và 1 bằng tiếng Pháp. Đây là những yêu cầu cần có nếu muốn được thăng chức và tăng lương. Mình đã làm điều này được khoảng 6 tháng, và hứa hẹn trong năm nay sẽ có nhiều thay đổi trong công việc. Điều này khiến mình khá vui vẻ và tràn đầy hy vọng trong năm mới này!”.
Còn với Nam Lê (25 tuổi), anh chàng đã sở hữu mức lương cứng 10 triệu, cũng qua một hành trình phấn đấu khá lâu: “Mình làm trong doanh nghiệp nhà nước, và mức lương cứng được chia theo chức vụ cũng như mức độ quan trọng của vị trí mình đang làm. Lương của doanh nghiệp nhà nước đương nhiên sẽ thấp hơn doanh nghiệp tư nhân, nhưng chế độ đãi ngộ về lâu về dài thì vẫn rất tốt. Đấy là lý do khiến mình vẫn cặm cụi làm việc ở vị trí đó đến bây giờ.
Nếu ai làm trong doanh nghiệp nhà nước sẽ biết quy cách tính lương, thường sẽ nhân theo cấp số của thâm niên công tác và chức vụ. Còn những phụ cấp đi kèm khác thì khá đa dạng, và đảm bảo để bạn có thu nhập đủ sống. Nhưng lương cứng vẫn luôn là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành trong công việc, vì thế mình cũng rất để ý đến mức lương cứng của bản thân. Cách đây khoảng 1 năm, mình đã đạt được mục tiêu lương cứng 10 triệu/tháng. Và mục tiêu tiếp theo, là gia tăng con số này trong khoảng 12-15 triệu. Nhiều người có thu nhập rất cao không tính lương cứng, và đôi khi họ nghĩ lương cứng không quan trọng. Nhưng với mình, lương cứng đi kèm thêm nhiều chế độ đãi ngộ về sau này, nên mục tiêu không ngừng tăng lương cứng luôn được mình đề cao”.
Lương cứng 10 triệu thì nên chi tiêu thế nào?
Khi sở hữu mức lương cứng cao hơn rồi, thì chi tiêu cũng sẽ thay đổi theo. Ngay cả cách nghĩ về tài chính cá nhân cũng ngày càng trưởng thành hơn.
Nam Lê (25 tuổi) đã từng đặt mục tiêu tiết kiệm nhiều nhất có thể. Nhưng hiện tại, trải qua thời gian kiếm tiền và tích lũy, Nam cho biết: “Đúng là thời gian đầu mình chỉ biết tiết kiệm. Rồi khi nghe được câu nói của sếp rằng ‘Tiết kiệm là hữu hạn, kiếm tiền là vô hạn’, thì mình bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này một cách nghiêm túc hơn. Tiết kiệm là điều nên làm, nhưng nên tập trung vào vấn đề gia tăng thu nhập, như vậy cuộc sống sẽ thoải mái hơn nhiều.
Có khoảng thời gian, mình đặt ra áp lực với bản thân về việc tiết kiệm tiền, vì mình có những mục tiêu lớn hơn trong tương lai, muốn đạt được nó trước năm 30 tuổi. Vậy nên, khi mới đi làm có lúc mình rơi vào khủng hoảng tài chính do những dự tính không như ý muốn, ngay cả chuyện mức lương cứng khi nhận việc cũng vậy. Sau đó, mình phải tích cực trong việc giảm chi tiêu và tăng thu nhập, bằng cách làm thêm dựa trên chính ngành nghề của mình. Số tiền mình tiêu hàng tháng dao động trong khoảng 2-4 triệu/tháng, và số tiền mình kiếm được cũng ngày một nhiều hơn.
Về những khoản chi tiêu không nằm trong dự tính, như đám đình, sinh nhật, tiệc tùng bắt buộc… mình dành thêm khoảng 10% thu nhập để bỏ riêng vào tài khoản khác, phòng trường hợp cần tiêu. Còn những chi phí khác cố định, như phí sinh hoạt, tiết kiệm, đầu tư cho bản thân đều được mình vạch rõ ra hàng tháng, và nghiêm túc tuân thủ tỷ lệ này. Việc chi tiêu thế nào cực kỳ quan trọng, vì nó tạo nên thói quen và sức khỏe của tài chính cá nhân”.
Đối với Thu Thảo, khi mức lương cứng chưa đạt mốc 10 triệu/tháng, cô bạn cũng có những tính toán rất thông minh, để giảm thiểu được chi tiêu của mình. Thảo cho biết: “Trước đây, khi đi học thì mình hay lựa chọn ở ký túc xá là chính, cũng có khoảng thời gian thuê nhà nhưng không lâu. Nhận thấy việc thuê nhà cũng tốn kém một khoản, nên sau khi ra trường và làm việc, mình chấp nhận lời đề nghị của chị gái về ở chung. Nhiều bạn bè của mình thích không gian riêng tư, nên chi khoảng 2-3 triệu/tháng để thuê nhà riêng ở. Nhưng với mình, ở những năm tháng thu nhập còn thấp, mình chọn cắt bỏ những khoản chi phí có thể cắt bỏ và chỉ tiêu những khoản bắt buộc cần tiêu. Thực ra, quan điểm của mình, ngày trẻ tiêu ít đi một chút thì về già sẽ được thảnh thơi hơn.
Thành phố Đắk Lắk nơi mình đang sống và làm việc cũng rất tuyệt vời. Mức phí sinh hoạt không cao như Hà Nội, Sài Gòn hay Cần Thơ, nhưng vẫn rất thoải mái, hiện đại và không khí cực kỳ trong lành. Nhiều người khuyên mình nên lên Sài Gòn để phát triển công việc hơn, nhưng mình thấy không cần thiết. Vì chi phí sinh hoạt ở Sài Gòn rất cao, dường như kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ, cũng có nhiều cám dỗ buộc mình tiêu tiền nhiều hơn nữa. Nên việc lựa chọn nơi làm việc mình thấy cũng quan trọng chẳng kém gì những thứ khác”.
Bên cạnh đó, ngoài cách giảm chi tiêu và tăng thu nhập, thì Nam Lê và Thu Thảo đều khẳng định, khi lương cứng tăng chứng tỏ được năng lực trong công việc cũng tăng theo. Ngoài những kế hoạch về tiết kiệm và chi tiêu, thì cả hai đều là những người trẻ có khát vọng, có định hướng và mục tiêu rõ ràng trong tương lai. Chính vì thế, mức lương cứng 10 triệu/tháng (hoặc cao hơn) sẽ không còn là ước mơ xa vời của những người trẻ luôn biết nỗ lực như vậy!
Theo Phụ nữ Việt Nam