Bỏ phong bì 500k nhưng tiền lên đồ hết 1 triệu, dân văn phòng căng thẳng mùa cưới
Bên cạnh tiền mừng cô dâu, chú rể, nhiều người còn phải dành một khoản chi không nhỏ để chuẩn bị cho trang phục, phương tiện di chuyển khi đi đám cưới.
Đối với dân văn phòng, “mùa cưới” luôn là thời điểm buồn, vui lẫn lộn. Bởi lẽ, bên cạnh việc chúc phúc cho các cô dâu, chú rể, điều khiến hội đi làm băn khoăn chính là làm sao để cân đối chi tiêu cho những tháng có quá nhiều lời mời đám cưới. Không chỉ nỗi lo tiền mừng, khoản chi ít người nghĩ đến nhưng lại tiêu tốn khá nhiều tiền là mua quần áo phù hợp với đám cưới, quà tặng và cả chi phí di chuyển.
Sắm đồ 4 triệu/ tháng chỉ để mặc đi đám cưới
Ngày thường đi làm, hội chị em văn phòng vốn đã phải tiêu tốn khá nhiều tiền cho quần áo, giày dép… Do vậy khá dễ hiểu khi đi đám cưới, họ càng phải chuẩn bị cẩn thận hơn, lộng lẫy hơn. Cho dù không phải người quá điệu đà thì mỗi khi đến một đám cưới nào đó, ai nấy đều có xu hướng diện đồ mới. Bởi họ cho rằng, đó cũng là một cách để tôn trọng bản thân và lịch sự khi xuất hiện trong ngày trọng đại của cô dâu, chú rể.
Huệ Phương – nhân viên ngân hàng cho biết, vào “mùa cưới” cô có thể nhận được 3 – 4 thiệp mời trong cùng một tháng. Trong số đó, có những mối quan hệ thân thiết, họ hàng nhưng cũng có một phần là các mối quan hệ xã giao. Tuy nhiên, Huệ Phương thường không từ chối mà sẽ cố gắng sắp xếp tham dự đầy đủ các đám cưới.
“Nếu không phải họ hàng hay bạn bè thân thiết, mình thường sẽ mừng phong bì cưới 500 nghìn. Có những tuần mình phải đi đến 2 đám cưới liên tiếp. Tuy nhiên với mình, tiền mừng “đau đầu” một thì tiền quần áo, trang điểm “đau ví” mười. Điều này cũng do tính cách mình cầu kì, thích phải thật chỉn chu khi xuất hiện trước đám đông nên đi đám cưới nào mình cũng đều mua quần áo mới. Số tiền này đôi khi còn nhiều gấp đôi tiền mừng cưới”, Huệ Phương nói.
Cũng theo cô nàng, trang phục lựa chọn mua mới sẽ dao động từ khoảng 500 – 800 nghìn. Sở dĩ có mức giá như vậy bởi Huệ Phương muốn chọn những bộ đồ chất lượng tốt, có thể tái sử dụng cho những sự kiện khác sau này. Ngoài trang phục, cô nàng còn chi tiền cho các dịch vụ làm đẹp khác như nối mi, làm móng, trang sức phụ kiện… Tổng số chi phí này cũng lên đến khoảng 1 triệu đồng.
“Tháng cao điểm nhiều đám cưới chắc mình cũng phải tốn khoảng 4 triệu đồng cho riêng việc sắm sửa. Mình quan niệm thế này, nếu đã không đi đám cưới thì thôi, chỉ gửi tiền mừng còn một khi đã xác định đi tiệc, mình phải lịch sự nhất có thể. Ăn diện đẹp vừa khiến bản thân tự tin hơn vừa là cách thể hiện sự tôn trọng của mình đến cô dâu, chú rể. Ngoài ra, đi đám cưới cũng phải chụp ảnh nữa, mà mình không muốn bức ảnh nào đăng lên cũng trùng trang phục”, Huệ Phương cho biết thêm.
Giống như Huệ Phương, Huyền My – nhân viên văn phòng cho hay: “Mình nghĩ không chỉ riêng mình mà con gái đều như vậy, thích có diện mạo đẹp nhất khi xuất hiện nơi đông người. Đôi khi mình cũng cảm thấy muốn “sạt nghiệp” vì các khoản chi bên lề còn đắt hơn cả tiền mừng cưới. Nhưng cũng không thể xuề xoà mà đi được”.
Đối với Huyền My, cô dành nhiều thời gian cho việc lựa chọn váy, áo, giầy dép vì có nhiều đám cưới đưa ra quy định riêng về trang phục. Huyền My chia sẻ: “Người trẻ như chúng mình giờ tổ chức đám cưới hiện đại hơn thời bố mẹ nhiều. Do đó, có những đám cưới họ yêu cầu khách tới dự phải mặc theo màu quy định nên mình thường đi mua quần áo mới để phù hợp. Chưa kể, có cặp đôi tổ chức ngoài bãi biển, tiệc ngọt, tiệc mặn… nên dù không muốn tốn kém vẫn phải chi tiền để đầu tư trang phục”.
Mối quan hệ quan trọng hơn tiền bạc
Vốn phải dành khoảng nửa tháng lương cho việc đi ăn cưới, Huệ Phương cho biết những ngày còn lại phải ăn tiêu dè sẻn: “Mình không có thói quen ghi đầy đủ các khoản thu, chi cá nhân nhưng đến những tháng có nhiều đám cưới như này mình cũng phải liệt kê sơ qua để cân đối.
Như mình chia sẻ, mình cũng dành hơn nửa tháng lương cho các đám cưới rồi nên những ngày còn lại phải tiết kiệm. Khoản nào hạn chế được mình sẽ hạn chế ở mức tối đa. Chẳng hạn như ăn uống, tụ tập bạn bè mình cũng ít đi hơn, không ăn hàng nữa mà chuyển sang cơm nhà để tránh tiêu nhiều tiền”.
Còn Huyền My cẩn thận hơn, mỗi tháng cô đều để dành một khoản dự trù cho các chi phí phát sinh như đám cưới, sinh nhật… Đương nhiên vào tháng “cao điểm” nhiều đám cưới, số tiền dự trù này thường sẽ không đủ cho toàn bộ chi tiêu như mua sắm đồ đạc, quà cưới, tiền mừng cưới và cả vé máy bay, taxi di chuyển. Tuy nhiên, việc này cũng giúp Huyền My không bị tiêu quá tay hay thâm hụt nhiều và các quỹ khác.
“Không hẳn là chi li nhưng mình thường khá kĩ trong việc quản lý chi tiêu cá nhân. Mình thấy việc có khoản dự trù là cần thiết để trong tháng mình dễ cân đối hơn, không bị tiêu lẹm vào. Khi có nhiều đám cưới cùng một lúc, buộc mình phải giảm các khoản chi khác lại.
Nhưng mình thấy, đúng là khi phải tiêu tiền dồn cùng một lúc sẽ có cảm giác lo lắng, hoang mang vì thấy bản thân đang tiêu tốn quá nhiều tiền, chi tiêu không kiểm soát. Tuy nhiên nghĩ lại, quần áo, giày dép mua mới đâu phải chỉ mặc một lần đám cưới đó là bỏ. Mình có thể xoay vòng cho những lần đi làm, đi chơi khác chẳng hạn. Như vậy cũng không hẳn quá tốn kém mà đổi lại mình vẫn giữ được những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, cái đó quan trọng hơn là tiền bạc”, Huyền My chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, Huệ Phương cho hay ở độ tuổi của cô (22 – 28 tuổi) việc được mời đi nhiều đám cưới là khó tránh khỏi. Do vậy, ai cũng nên cần có sự chuẩn bị về mặt tài chính để cuộc sống không bị xáo trộn quá nhiều.
Huệ Phương bày tỏ: “Mình nghĩ mọi người nên bình thường hoá việc một tháng nhận được nhiều lời mời cưới. Thay vì than thở phải tốn tiền mình nên nhìn nhận vui vẻ, tích cực hơn. Như vậy cũng bớt cảm giác “đau ví” mà dù sao cũng không thay đổi được thực tại mà. Còn nếu bạn cảm thấy mối quan hệ đó không cần thiết, sẵn sàng bỏ qua được thì mạnh dạn “bơ” đi thôi”.
Theo Phụ nữ Việt Nam