Thị trường du lịch ‘cháy’ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ
Thông tin từ Sở Du lịch Kiên Giang, từ đầu năm đến nay địa phương đã đón hơn 4,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ngay sau niềm vui du lịch phục hồi là nỗi lo làm sao đảm bảo chất lượng dịch vụ khi thiếu nguồn lao động có tay nghề phục vụ du khách.
“Cháy” hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ
Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là những lựa chọn quen thuộc khi du khách đi du lịch biển đảo, nhất là sau thời gian dài không thể đến đây vì dịch bệnh. Ghi nhận chung cho thấy khách nội địa là chính, chủ yếu đi vào dịp lễ và cuối tuần nên tình trạng thiếu hụt không hẳn lúc nào cũng xảy ra.
Nhưng ông Trương Công Tâm – chủ tịch Hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp du lịch Phú Quốc – cho biết vào mùa cao điểm du lịch, hướng dẫn viên tại Phú Quốc làm liên tục cả ngày lẫn đêm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ khách tham quan.
“Khách đến đông chúng tôi mừng lắm nhưng liên kết cả hướng dẫn viên du lịch Hà Nội, TP.HCM cùng với anh em trong hội hơn 500 người mà vẫn không đủ phục vụ khách”, ông Tâm nói.
Không chỉ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ các bộ phận buồng phòng, bảo trì, lễ tân, bếp ăn… cũng thiếu khá nhiều, nhân viên phải xoay ca, tăng giờ làm liên tục.
Ông Lê Trung Thực – giám đốc tiền sảnh Sunset sanato resort and villas Phú Quốc – cho hay có những ngày cao điểm công suất phòng đều kín buộc nhân viên các bộ phận liên quan phải làm việc nhiều giờ hơn ngày thường. “Chúng tôi phải bổ sung nguồn từ thực tập sinh, thuê công nhật và cần tuyển tiếp thời gian tới”, ông Thực nói.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh – tổng giám đốc Furama resort, chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng – nói hai bộ phận thiếu nhiều nhất là buồng phòng và bảo trì bảo dưỡng. Đây là các bộ phận đòi hỏi kỹ năng nghề cao và khi COVID-19 bùng phát họ đã chủ động chuyển nghề, không quay lại nữa.
“Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các điểm du lịch cũng là nguyên nhân gây thiếu hụt, nhiều nhân sự giỏi tại Đà Nẵng đã đầu quân cho Phú Quốc và các điểm đến mới nổi vì mức lương hấp dẫn hơn” – ông Quỳnh cho hay.
Trong khi đó tại Nha Trang lại nơi thừa, chỗ thiếu nhân lực phục vụ du lịch. Quản lý một khu nghỉ dưỡng tại Bãi Dài, Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết họ đã tuyển hơn 50% nhân viên để đón đầu việc phục vụ cao điểm du lịch hè, bù cho số nhân viên đã nghỉ việc trước đó và khá vất vả khi phải đào tạo vì đa số là mới.
Tuy nhiên, ông Võ Quang Hoàng – giám đốc điều hành khách sạn Ariyana, chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa – thông tin khách nội địa thường chỉ đi nghỉ cuối tuần nên nếu tuyển lao động ồ ạt, ngày thường sẽ dôi dư.
“Tuyển vừa đủ lúc cao điểm lại thiếu hụt, thuê công nhật thường không ổn định, chất lượng thấp. Chưa kể nhân lực có tay nghề cao đòi lương cao, nhiều trường hợp thậm chí ký hợp đồng với cơ sở này lại “xé rào” sang cơ sở khác vì lương cao hơn” – ông Hoàng nói.
Giải pháp căn cơ
Nhiều lao động ngành du lịch đã về quê sinh sống khi thời gian dịch bệnh kéo dài và không quay lại khiến nhân sự ngành du lịch thêm thiếu hụt. Theo tính toán, Phú Quốc thiếu khoảng 40% nhân lực du lịch có tay nghề.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang Trần Quốc Khánh nói sau COVID-19, tâm lý nhiều người chỉ muốn về với gia đình, giờ có trở lại lương cũng không bằng trước, khó đảm bảo đời sống nên nhiều đầu bếp nhà hàng trước đây chọn về nhà buôn bán nhỏ, đủ sống.
Ông Võ Quang Hoàng đề xuất doanh nghiệp phải ký hợp đồng dài hạn, nâng chế độ, chính sách để thu hút người lao động.
Cạnh đó, doanh nghiệp phải sử dụng một phần lao động công nhật bởi thực tế hiện nay nhiều lao động vẫn không muốn ký hợp đồng dài hạn. Các khách sạn có thể sử dụng nguồn sinh viên thực tập để bù đắp thiếu hụt trong những ngày cao điểm.
Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết đã làm việc cùng các trường ở địa phương để đào tạo nhân lực du lịch và dự kiến tới đây có doanh nghiệp sẽ mở trường tại Phú Quốc để thu hút, đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực du lịch.
Ông Trần Minh Đức – chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – nói ngành du lịch nên liên kết đưa nguồn khách quốc tế đến.
“Nguồn khách đủ đông mới tạo thêm việc làm. Cũng cần tiếp cận cách làm du lịch thông minh, số hóa tiết kiệm sức người một số khâu song song với cải thiện môi trường làm việc bởi người lao động không chỉ cần tăng lương mà còn là cơ hội thăng tiến bình đẳng, chính sách phúc lợi đủ tốt” – ông Đức chia sẻ.
Đỏ mắt tìm nhân sự cấp cao
Đại diện một tập đoàn khách sạn vốn FDI tại Đà Nẵng cho biết họ đang đỏ mắt tìm người cho hai dự án khách sạn 5 sao sắp đưa vào hoạt động tại Đà Nẵng và Hội An cuối năm nay.
Đặc biệt với nhân sự có kinh nghiệm, trình độ cao ở cấp quản lý, trưởng bộ phận lại vô cùng khó. Ngoài các mối quan hệ trong mạng lưới, họ thu hút nhân sự đang làm việc ở nơi khác bằng chính sách phúc lợi tốt hơn.
Chung tay giải bài toán nhân lực
Ông Đặng Hồng Sơn – giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kiên Giang – cho biết từ đầu năm đến nay tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, làm cầu nối liên kết với các trường đưa sinh viên đến thực tập ở các doanh nghiệp du lịch tại Phú Quốc. Kết thúc thực tập, doanh nghiệp xem xét tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân lực phục vụ du lịch lâu dài.
Trong khi đó, Sở Du lịch Đà Nẵng nói để đáp ứng nhu cầu phục hồi du lịch như trước dịch sẽ cần thêm 55.000 nhân lực lĩnh vực này.
Cơ quan này đang khảo sát xu hướng, nhu cầu chuyển dịch lao động để đưa ra dự báo, định hướng nguồn nhân lực thời gian tới, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng thị trường du lịch quốc tế và nội địa.
Còn Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh thông tin trong quý 3 sẽ tổ chức năm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, nghiệp vụ về quản lý khách sạn chất lượng cao, ngoại ngữ, nghiệp vụ buồng phòng và cho rằng doanh nghiệp cần chính sách đãi ngộ tốt, tạo niềm tin để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài.
Theo Tuổi trẻ