Môi giới bất động sản bạc mặt vì bị “xù” tiền hoa hồng
Thấy mức phí được hưởng sau khi giao dịch (tiền hoa hồng) cao, lại suốt ngày ăn mặc bảnh bao, tay cầm điện thoại 24/7, nói chuyện tiền tỷ…, nên anh Minh Hùng (35 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đã quyết định nghỉ hẳn công việc văn phòng để chuyển sang làm môi giới bất động sản. “Người tính không bằng trời tính, dọc ngang với nghề môi giới phải gần năm trời mà tôi vẫn không chốt được khách nào, mãi sau này mới làm được”, anh Hùng kể.
Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, anh Hùng cho hay, lúc đó chỉ nghĩ đơn giản nếu người đau ốm cần gặp bác sỹ thì người mua nhà chắc chắn sẽ cần gặp môi giới. Trong khi đó, số lượng người cần mua nhà không phải là ít, người ít tiền cần có nhà ở, còn người nhiều tiền lại muốn mua đầu tư, kiểu gì cũng kiếm được khách hàng.
Nhưng trạng thái lạc quan chẳng kéo dài được lâu, khi 5 tháng sau vẫn chưa có một “deal” nào thành công. Hơn thế, ngày nào cũng phải gọi gần 100 cuộc điện thoại mà phần lớn bị từ chối, thậm chí là tiếng thông báo lạnh lùng của tổng đài “thuê bao quý khách vừa gọi…”, hoặc là “Chị bận lắm”, “Anh đang tiếp khách em ơi”, “Em gọi lại sau nhé”… Hay may lắm có người chịu khó nghe nhưng cũng hỏi đông hỏi tây rồi lại phán: “Giá đắt thế, anh không mua đâu”. Rồi cúp máy.
Chưa kể những trường hợp bị đối tượng cố tình đùa cợt. Một lần anh Hùng có khách hẹn, tất tả đi tới điểm hẹn xa hàng chục km, không quản nắng mưa. Thế rồi bị họ cho… leo cây. “Giữa trưa trời nắng tới 36-37 độ, đến chỗ hẹn đợi hơn 2 tiếng mà không thấy người, gọi điện hỏi thì chỉ nghe báo máy bận, vừa tức vừa tủi thân”, anh Hùng ngán ngẩm.
Những trường hợp như anh Hùng không phải là hiếm, đặc biệt là đối với những người mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm và chưa có “data” khách hàng tiềm năng. Thế nhưng, quá trình tìm được khách và “chốt được deal” đã khó, thì việc đi đòi phí môi giới cũng khó không kém.
Theo lời kể của anh Hùng, cuối năm 2019, anh và nhiều môi giới khác cùng bán hàng tại một dự án ở Quy Nhơn, do Công ty A.S.H phân phối. Thời điểm đó, thị trường bất động sản bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn. Các sản phẩm tại Quy Nhơn được xem là sản phẩm cao cấp nên việc tiếp cận khách hàng không hề dễ dàng.
Để bán được hàng, các môi giới phải tự bỏ tiền túi dẫn khách hàng đi tham quan dự án, tự bỏ chi phí chạy quảng cáo, vay mượn bạn bè. Thậm chí, nhiều người còn phải cầm cố tài sản, vay mượn khắp nơi để quảng cáo bán hàng.
“Ấy vậy mà tới lúc bán được hàng rồi thì chẳng thấy tiền hoa hồng đâu. Hoa hồng không những không lấy được hết, mà còn bị chia năm xẻ bảy, mỗi lần bên phía sàn chỉ thanh toán từ 10% đến 15% tiền hoa hồng”, anh Hùng bức xúc.
Cũng theo lời môi giới này, phía sàn phân phối có nhiều cách thức để khuyến khích nhân viên bán hàng, thế nhưng khi sản phẩm đã được bán xong xuôi thì phía công ty không có động thái hỗ trợ nhân viên cũng như thanh toán phần tiền thuộc về mồ hôi, công sức mà các môi giới đã bỏ ra.
“Lúc không bán được hàng thì giám đốc sàn họp liên tục, nhưng khi bán hàng xong, đến lúc thanh toán phí môi giới thì không họp nữa. Đẩy cho kế toán làm việc, đối chiếu lại căn nào đã bán để môi giới tự đi làm việc với chủ đầu tư. Nhưng từ lúc giám đốc sàn giao cho kế toán đối chiếu là ngày 19/5 đến ngày 1/9 thì kế toán vẫn bặt vô âm tín”, anh Hùng nói và cho biết thêm, bây giờ không biết tìm ai để đòi hết số tiền còn lại. Nguyên do bởi phía sàn phân phối cũng chính là nạn nhân của chủ đầu tư.
Chia sẻ về vai trò và cơ hội của môi giới trên thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, triển vọng nghề nghiệp của môi giới bất động sản là rất lớn. Song đây cũng là một ngành nghề rất khó, nhiều thách thức do tính cạnh tranh cao. Điều này buộc các môi giới bất động sản phải luôn học hỏi, không ngừng nâng cao nghiệp vụ và giữ được đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.
“Vai trò của sàn giao dịch bất động sản chính là nhằm hướng đến sự minh bạch của thị trường và là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Nhưng pháp luật hiện nay lại không xem trọng vai trò của họ. Nhà môi giới trong quy định hiện tại không được bảo vệ, rất yếu thế. Trong khi đó, họ vẫn phải tự nỗ lực khẳng định mình, tự chứng minh năng lực của mình…
Để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, tôi cho rằng, các quy định pháp lý nên quy định sàn giao dịch trở thành hoạt động có điều kiện. Nếu không làm được điều này, thị trường sẽ luôn luôn hỗn loạn do các hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật, gây rủi ro cho nhà đầu tư, khách hàng trên thị trường”, ông Đính nói.
Theo Đầu tư bất động sản