Người đàn ông liều lĩnh mua lại công ty thua lỗ, 19 năm sau soán ngôi Tesla của Elon Musk
Nhận thấy tài năng bên trong của Vương Truyền Phúc, tỷ phú Warren Buffett đã không ngần ngại rót vốn cho BYD. Hơn 10 năm sau, nhà tiên tri xứ Omaha đã thu về số lợi nhuận cực lớn.
Khoảng 20 năm trước, tỷ phú Trung Quốc Vương Truyền Phúc đã có kế hoạch mua lại một nhà sản xuất ô tô nhà nước đang thất bại và thay thế động cơ đốt trong bằng pin để khởi động dự án kinh doanh xe điện của riêng mình.
Ngày nay, công ty BYD của ông đã soán ngôi Tesla với tư cách là nhà sản xuất ô tô chạy bằng pin phổ biến nhất trên thị trường, theo Financial Times. Vào tháng 7, Forbes thậm chí còn báo cáo rằng cổ phiếu của BYD đã tăng 90% bất chấp đại dịch. Tài sản cá nhân của ông trị giá hơn 25 tỷ USD, đứng thứ 22 ở Trung Quốc, theo FT.
Chàng thanh niên dám nghĩ lớn
Vương Truyền Phúc sinh năm 1966 ở một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Ông là trẻ mồ côi, được anh chị nuôi ăn học. Năm 1987, ông Vương tốt nghiệp cử nhân hóa trường Central South Industrial University of Technology (hiện là trường Central South Industrial University), sau đó lấy bằng thạc sĩ khoa học tại Beijing Non-Ferrous Research Institute (năm 1990).
Vào năm 1995, ông Vương quyết định rời bỏ Viện nghiên cứu, tạo dựng sự nghiệp của riêng mình. Khó khăn đầu tiên mà ông phải đối mặt là vốn đầu tư. Chạy vạy khắp nơi, Vương Truyền Phúc cũng vay được 350.000 USD từ những người họ hàng. Ông đã dùng số tiền này mở công ty sản xuất pin BYD. Lý do là vì ông nhận thấy đây là thị trường nhiều tiềm năng khi pin nhập khẩu từ Nhật Bản vừa đắt lại vừa chậm giao hàng.
Đi sau những nhà sản xuất pin có tiếng của Nhật Bản như Sony, Sanyo nhưng ông Vương không chạy theo những dây chuyền sản xuất tự động của họ mà tìm một lối đi riêng. Mày mò tìm hiểu qua sách kỹ thuật và các chi tiết trong sản phẩm cùng loại của Nhật, ông đã tự lắp ghép được các thiết bị bán tự động để sản xuất pin.
Chỉ 5 năm sau khi gia đời, BYD đã trở thành nhà sản xuất pin điện thoại di động lớn nhất thế giới chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu, cung cấp pin cho Motorola, Nokia, Sony Ericsson và Samsung. Hiện nay, iPod, iPhone và tổ chức phi lợi nhuận One Laptop Per Child (với mục tiêu mỗi trẻ em có 1 máy tính xách tay) đều sử dụng pin của BYD. Đặc biệt, pin của BYD chưa từng một lần bị thu hồi, chứng tỏ chất lượng sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn và ổn định.
Nhận được sự ủng hộ từ Warren Buffett
Nhận thấy sản xuất pin khó có thể mở rộng hơn nữa, ông quyết định đặt chân vào “vùng đất mới” – sản xuất ô tô. Vương Truyền Phúc mua lại 77% cổ phần của công ty sản xuất ô tô Quinchuan Auto đang làm ăn thua lỗ với giá 39 triệu USD.
Ba năm sau khi lấn sân sang lĩnh vực sản xuất ô tô, năm 2006, mẫu ô tô điện đầu tiên của BYD mang tên F3e đã ra mắt thị trường. Tháng 12/2008, thêm một “đứa con” nữa của BYD chào đời là F3DM – chiếc ô tô lai plug-in (có thể sạc pin ở gia đình) đầu tiên trên thế giới, hoạt động chủ yếu bằng điện và có thêm động cơ xăng 1 lít. Wang tuyên bố cuối năm nay sẽ tiếp tục “sinh” thêm loại xe F6DM.
Mặc dù vậy, BYD vẫn chưa thực sự có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Dù vậy, công ty này đã bán được hơn 641.000 xe điện trong nửa đầu năm 2022, theo Forbes. Trong khi đó, số liệu từ CNBC cho thấy BYD đã bán được khoảng 130.000 xe trong năm 2021. Thành công của BYD bắt nguồn từ việc có thể chế tạo pin sử dụng lâu hơn và rẻ hơn so với các nhà sản xuất đến từ Mỹ, Nhật.
Năm 2008, Buffett chi 232 triệu USD để mua 10% cổ phần tại BYD. Đến năm 2021, lợi nhuận thu về đã tăng 33 lần, theo Nikkei. Tại thời điểm đầu tư, tỷ phú Buffet thừa nhận công nghệ với ông là một lĩnh vực quá xa vời. Ông cho biết: “Tôi chẳng biết gì về điện thoại hay pin (vốn là lĩnh vực chính của BYD) và tôi cũng chẳng hiểu nhiều về ô tô”.