Chàng trai Nhật ‘không làm gì cả’ vẫn ra tiền
Shoji Morimoto là cư dân Tokyo, 38 tuổi. Anh tính phí 10.000 yen (71 USD) cho mỗi lần đi cùng khách hàng và không làm gì khác.
“Về cơ bản, tôi cho thuê bản thân. Công việc của tôi là ở bất cứ đâu mà khách hàng muốn và không làm gì khác”, anh Morimoto nói với Hãng tin Reuters.
Trong 4 năm qua, người đàn ông với công việc đặc biệt này đã được thuê khoảng 4.000 lần.
Với thân hình cao lớn và ngoại hình trung bình, Morimoto có gần 1/4 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter, nơi tập trung hầu hết khách hàng của anh. Khoảng 1/4 trong số đó sau khi trải nghiệm dịch vụ của Morimoto đã quay lại, có người đã thuê Morimoto tới 270 lần.
Công việc của Morimoto khá đa dạng, như đưa khách hàng tới công viên chơi bập bênh, hay cười rạng rỡ và vẫy tay qua cửa sổ với khách hàng muốn được đưa tiễn.
Không làm gì không có nghĩa là Morimoto sẽ làm bất cứ điều gì. Anh từng từ chối đề nghị di chuyển tủ lạnh và đến Campuchia.
Tuần trước, Morimoto ngồi đối diện với Aruna Chida, một nhà phân tích dữ liệu 27 tuổi mặc áo sari (hoặc saree, là một loại trang phục truyền thống và được yêu thích của phụ nữ Ấn Độ, dùng quấn quanh cơ thể theo nhiều phong cách khác nhau). Cả hai cùng trò chuyện, dùng trà và bánh ngọt.
“Với những người bạn của mình, việc tôi ăn mặc như vậy có thể khiến mình làm trò cười cho họ, nhưng với anh chàng này, tôi thấy không cần phải nói gì nhiều”, Chida nói.
Trước khi Morimoto tìm ra công việc mới lạ này, anh từng làm việc tại một công ty xuất bản và thường bị chê bai là “không làm gì cả”.
“Tôi bắt đầu tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cung cấp khả năng ‘không làm gì’ của mình như một dịch vụ cho khách hàng”, Morimoto nói.
Công việc hiện tại cũng là nguồn thu nhập duy nhất của Morimoto để nuôi sống vợ con. Mặc dù từ chối tiết lộ số tiền mình kiếm được, nhưng Morimoto nói anh tiếp 1 hoặc 2 khách hàng mỗi ngày. Trước dịch COVID-19, con số này là 3 hoặc 4.
Bản chất kỳ lạ của công việc của Morimoto có phần mâu thuẫn với xã hội coi trọng năng suất và coi thường sự vô dụng, đặc biệt là ở Nhật Bản.
“Mọi người có xu hướng nghĩ rằng việc ‘không làm gì’ của tôi có giá trị vì có ích cho người khác… Nhưng thực sự không làm gì cả cũng không sao đâu. Mọi người không nhất thiết phải hữu ích theo bất kỳ cách thức cụ thể nào”, Morimoto nói.
Theo Tuổi trẻ