Cuộc sống phải đuổi theo ‘trò chơi câu view’ của những KOL

Dù là nghề mơ ước của nhiều người trẻ, trên thực tế, công việc sáng tạo nội dung ẩn chứa nhiều vấn đề như phân biệt đối xử trong thu nhập, tổn hại tinh thần, thể chất.

Cuộc sống phải đuổi theo ‘trò chơi câu view’ của những KOL - Ảnh 1
Cuộc sống phải đuổi theo ‘trò chơi câu view’ của những KOL

Ngày 4/7, “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất, nữ vlogger nổi tiếng ở Trung Quốc, đã hầu tòa để giải quyết tranh chấp với công ty quản lý cũ.

Trong phiên điều trần, cô mô tả mình là “nô lệ của ngành công nghiệp sáng tạo nội dung” do bị công ty vắt kiệt sức lao động và thương mại hóa hình ảnh quá mức.

Trường hợp của Lý Tử Thất phơi bày mặt tối của nghề influencer (người có sức ảnh hưởng) trên mạng xã hội. Dù bề ngoài hào nhoáng, những người sáng tạo nội dung phải trải qua sự bấp bênh trong thu nhập và có nguy cơ nảy sinh vấn đề tâm lý.

Thành công cho số ít

Một khảo sát năm 2019 tại Anh cho thấy trẻ em ngày nay mơ ước làm YouTuber hơn phi hành gia. Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên khi khoảng 1,3 triệu người trẻ ở xứ sở sương mù muốn kiếm tiền bằng nghề sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.

Vào năm 2021, thị trường influencer toàn cầu được ước tính có tổng giá trị lên tới 13,8 tỷ USD. Tại Anh, khoảng 300.000 người trong độ tuổi 18-26 đang coi công việc sáng tạo nội dung là khoản thu nhập duy nhất, theo BBC.

Cuộc sống phải đuổi theo ‘trò chơi câu view’ của những KOL - Ảnh 2
Thành công cho số ít

Nghề influencer đang ảnh hưởng không chỉ lối sống mà cả lựa chọn sự nghiệp của nhiều người. Tuy nhiên, đằng sau lớp vỏ hào nhoáng là thu nhập bấp bênh, tình trạng phân biệt đối xử trong mức lương do giới tính, chủng tộc, cùng nguy cơ gặp vấn đề tâm lý.

Các influencer thành công dễ dàng tuyên bố rằng ai cũng có thể làm được như họ. Molly-Mae Hague, thí sinh của chương trình truyền hình thực tế Love Island, nay là influencer, từng bị chỉ trích bởi phát ngôn “mọi người đều có 24 giờ/ngày”. Trên thực tế, rất ít người kiếm đủ tiền để làm influencer lâu dài.

Theo Brooke Erin Duffy, chuyên gia về nền kinh tế mạng xã hội, có khoảng cách lớn giữa các influencer giàu có và số còn lại. Đối với đa số những người muốn làm nghề sáng tạo nội dung, dự án của họ thường trở thành sản phẩm truyền thông miễn phí cho các nhãn hàng lớn.

Chênh lệch tiền công

Theo báo cáo tháng 4/2022, ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) của Quốc hội Anh đã xác định vấn đề chính trong ngành công nghiệp influencer là chênh lệch mức lương, dựa trên cơ sở giới tính, chủng tộc và khuyết tật.

Báo cáo của DCMS đề cập một nghiên cứu năm 2020 tập đoàn MSL, công ty PR toàn cầu, cho thấy khoảng cách thu nhập giữa influencer da trắng và da đen là 35%.

Tài khoản Instagram mang tên Influencer Pay Gap (tạm dịch: Chênh lệch Lương của Influencer) là nơi các influencer chia sẻ ẩn danh trải nghiệm cộng tác với thương hiệu. Ngoài vấn đề chủng tộc, nhiều câu chuyện cũng vạch trần sự chênh lệch lương đối với người khuyết tật hoặc thuộc cộng đồng LGBTQ+.

Báo cáo của DCMS cũng ghi nhận tình trạng thiếu hỗ trợ và sự bảo hộ trong ngành công nghiệp sáng tạo nội dung. Hầu hết influencer là lao động tự do với thu nhập kém ổn định và không được hưởng quyền lợi như ngày nghỉ có lương.

Những mối nguy trở nên tệ hơn bởi sự thiếu tiêu chuẩn trong ngành và kém minh bạch khi trả công, khiến các influencer phải tự xác định giá trị thương hiệu. Nhiều người đánh giá thấp sản phẩm của mình hoặc thậm chí làm không công.

Influencer cũng bị phụ thuộc vào thuật toán – những chương trình máy tính xác định bài đăng nào hiện lên cho người dùng. Các nền tảng ít khi chia sẻ về thuật toán, nhưng đó là yếu tố xác định ai hoặc nội dung nào sẽ trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.

Khi làm việc với influencer trên Instagram, chuyên gia về thuật toán Kelley Cotter nhấn mạnh rằng sự theo đuổi sức ảnh hưởng trở thành “trò chơi câu view”.

Những người sáng tạo nội dung phải liên tục tương tác với nền tảng để duy trì hình ảnh và sự nổi tiếng. Nếu đăng ít hơn, họ sẽ bị “phạt” bởi thuật toán, khiến nội dung hiển thị ở vị trí kém nổi bật trên thanh tìm kiếm.

Tinh thần bất ổn

Sự hiện diện trực tuyến liên tục dẫn đến một trong những vấn đề phổ biến nhất trong ngành công nghiệp influencer: sức khỏe tâm lý. Khi có thể kết nối với nền tảng làm việc và khán giả bất cứ lúc nào, nhiều người sáng tạo nội dung không có khoảng cách giữa công việc và cuộc sống.

Cuộc sống phải đuổi theo ‘trò chơi câu view’ của những KOL - Ảnh 3
Tinh thần bất ổn

Cùng với nỗi sợ bị mất sự nổi tiếng, các influencer có thể làm việc quá sức và mắc các vấn đề tâm lý như tình trạng kiệt sức (burnout).

Sự nổi tiếng cũng khiến các influencer gặp nguy cơ bị tấn công trên mạng, cả về ngoại hình lẫn nội dung. Điều này có thể dẫn tới các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm lý, bao gồm trầm cảm, lo âu, mặc cảm ngoại hình, rối loạn ăn uống.

Dù công việc sáng tạo nội dung đang trở nên hấp dẫn hơn với nhiều người, những mặt tối của ngành công nghiệp này cần được làm rõ và cải thiện thông qua việc chỉnh sửa quy tắc cũng như thay đổi văn hóa toàn ngành.

Theo Zing News


Với gần 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Mình hi vọng những kiến thức chia sẻ trên website sẽ giúp ích được cho bạn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập hấp dẫn

Tìm việc ngay

Tin mới nhất

Cẩm nang kiến thức về tuyển dụng, tìm việc làm mới nhất 2024 | News.timviec.com.vn
Công ty TNHH Eyeplus Online

Địa chỉ: Số 81, ngõ 68, đường Cầu Giấy, Tổ 05, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Việt Nam

SĐT: 0981 448 766

Email: [email protected]

VỀ CHÚNG TÔI

News.timviec.com.vn là website cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự, nghề nghiệp do Timviec.com.vn vận hành nhằm giúp doanh nghiệp, nhân sự tuyển dụng, người đi làm, người tìm việc cập nhật thông tin và đáp ứng được mong muốn của mình.

KẾT NỐI

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số 54/2019/SLĐTBXH-GP do Sở lao động thương binh và xã hội cấp ngày 30 tháng 12 năm 2019.