Là tâm điểm tranh cãi vì tăng giá đồ uống, Highlands Coffee thành công ty phổ biến nhất trên mạng xã hội
Thứ hạng của Highlands Coffee đã tăng 8 bậc so với tháng trước.
Báo cáo ngành dịch vụ F&B tháng 6/2022 của Reputa đã công bố danh sách các công ty, thương hiệu theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội.
Theo đó, trong tháng 6 vừa qua, Highlands Coffee là công ty dịch vụ F&B dẫn đầu bảng xếp hạng (tăng 8 hạng), với tổng lượng tương tác các bài đăng truyền thông trên fanpage lên đến 104.525 lượt. KFC, Phúc Long và Trà Cà Phê (The Coffee House) lần lượt giữ hai vị trí ngay sau đó. The Alley và Hoàng Yến Group ghi nhận mức tăng nổi bật so với tháng 5, tăng lần lượt 29 và 11 hạng.
Trong danh sách top 10 thương hiệu dịch vụ F&B, Chang – Modern Thai Cuisine chiếm vị trí đầu tiên với tổng điểm 95,25, gấp 2 lần số điểm ở vị trí thứ hai – Highlands Coffee. Nằm ở vị trí thứ ba và thứ tư lần lượt là McDonald’s và Hana Buffet BBQ.
Trong tháng 6 vừa qua, Highlands Coffee trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận khi thông báo tăng giá mạnh các sản phẩm của mình.
“Trong suốt thời gian qua, Highlands Coffee luôn nỗ lực mang lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời và đầy chất lượng đến quý Khách hàng, xứng đáng với sự mong đợi của Quý Khách hàng đối với một thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam.
Để có thể giữ vững và thậm chí nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm của Quý Khách hàng trước tình hình biến động thị trường hiện nay, Highlands Coffee xin thông báo về việc điều chỉnh giá bán các sản phẩm của chúng tôi”, thông báo của Highlands Coffee cho hay.
Theo ghi nhận, mức giá mới của các đồ uống đã tăng từ 10-15%, thậm chí 18% so với giá cũ.
Cũng theo báo cáo, trà sữa vẫn là loại đồ uống được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội (38,1%). Trong khi đó, cà phê chỉ đứng ở vị trí thứ 4 với 14,48%.
Trên mạng xã hội, “Không gian quán” và “Hỏi đáp thông tin” là hai nội dung được nhóm khách hàng quan tâm và thảo luận nhiều nhất. Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp, các hành vi thảo luận chủ yếu tập trung vào “Giá cả” và “Hoạt động kinh doanh”, chiếm lần lượt gần 31,08% và 22,93% nội dung thảo luận.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế