Các sếp lên tiếng việc đòi deadline khi nhân viên đang nghỉ phép: Có tâm trước, chưa cống hiến đã đòi nghỉ ngơi là mục tiêu cho nghỉ việc số 1
Tại sao tình trạng sếp dí deadline vẫn xảy ra thường xuyên? Làm sao để tách biệt công việc khỏi những ngày nghỉ phép quý giá?
Tại sao nghỉ phép nhưng vẫn bị sếp dí deadline?
Deadline hay bị dí deadline trong ngày nghỉ là điều chẳng ai muốn, cho dù đó là sếp hay nhân viên. Nhưng cớ sao chuyện này vẫn xảy ra, thậm chí là xảy ra thường xuyên? Lý do đến từ cả 3 phía: sếp, nhân viên và điều kiện khách quan.
Đúng, có khi đó là do sếp. Đồng sáng lập Học viện Đào tạo Lãnh đạo và Doanh nhân JoyUni- Vũ Nguyệt Ánh chỉ ra lỗi sai đầu tiên có thể bắt nguồn từ chính “người dí”.
Thật đáng tiếc cho nhân viên nếu gặp một người sếp thiếu kỹ năng quản lý và khả năng sắp xếp công việc khoa học. Đây có thể là nguyên nhân đầu khiến nhân viên bị “xoay” bởi loạt deadline không đáng có. Bên cạnh đó, nhiều sếp thì “bội thu” sáng kiến, trong đầu luôn dạt dào những cải tiến và ý tưởng đổi mới sáng tạo không ngừng nhưng lại không sắp xếp được thứ tự ưu tiên và không có kế hoạch triển khai tuần tự, hợp lý, dễ khiến nhân viên chạy bở hơi tai cũng không theo kịp. Thậm chí, có sếp bị “workaholic” (nghiện công việc) quá đà hoặc đôi khi do cuộc sống cá nhân không có nhiều thú vui nên làm việc triền miên bất kể ngày nghỉ và cuối tuần, từ đó đòi hỏi nhân viên cũng phải làm tương tự.
Bản chất của việc dí những người nhân viên như trên là do bản thân người sếp theo lẽ thông thường, phải đặt kết quả làm việc lên trước. Sếp cần công ty “sống” và chỉ khi đó thì nhân viên mới “sống”.
Sau khi chỉ ra lỗi sai đầu tiên đến từ các sếp, Nguyệt Ánh cũng cho biết tình trạng “bị dí deadline” có thể xảy ra bởi lý do đến từ nhân viên mà chính bản thân họ ít khi nghĩ tới:
Từ phía nhân viên, làm việc thiếu tính khoa học, không biết sắp xếp, tổ chức công việc, làm việc không tối ưu năng suất và hiệu quả nên thường xuyên trễ deadline. Trong giờ làm việc chính không đủ tập trung, còn làm việc riêng nhiều nên thời gian ngoài giờ cũng phải làm thêm mới đủ thời gian. Thêm nữa, trước khi nghỉ phép không bàn giao và sắp xếp công việc 1 cách đầy đủ, tối ưu, không cung cấp đầy đủ thông tin – đầu mối liên hệ và tài liệu liên quan đến công việc dẫn đến người hỗ trợ/ sếp thường xuyên phải hỏi lại thì chuyện “em ơi” liên tục, dù không ai muốn nhưng chắc chắn xảy ra.
Bản chất của việc dí những người nhân viên như trên là do bản thân người sếp theo lẽ thông thường, phải đặt kết quả làm việc lên trước. Sếp cần công ty “sống” và chỉ khi đó thì nhân viên mới “sống”.
Founder BLUSAIGON – Tôn Nữ Xuân Quyên nhận định xu hướng công việc ngày nay không còn tính theo giờ mà theo hiệu quả công việc nên deadline là lúc nhân viên cần phải hoàn thành công việc. Đây cũng là chuyện bình thường mà sếp nữ này rút ra sau nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, chị Nguyệt Ánh cũng đưa ra những lý do khách quan thường gặp: Đó có thể là khối lượng công việc của công ty quá lớn, yêu cầu công việc quá cao, trong khi số lượng và năng lực nhân viên không đủ đáp ứng, lãnh đạo và nhân viên chưa có sự trao đổi rõ ràng cụ thể về việc tôn trọng không gian và thời gian riêng của nhau sẽ thường xuyên dẫn đến quá tải và không kiểm soát được deadline.
Sẽ chẳng ai tự dưng đi dí deadline nhân viên liên tục, khi chúng tôi dí tức là khách hàng cần. Khi đó sếp có quyền hỏi nhân viên: có thể làm được trong những ngày này không để đảm bảo khách hàng hài lòng và nhân viên cũng có quyền lựa chọn rằng có làm trong những ngày đó không và với mức chi phí nào – Chị Xuân Quyên nói thêm.
Trong khi đó Founder DOCO Donuts và Beta Cineplex – Bùi Quang Minh cho biết mình rất đồng cảm với chuyện nhân viên bị dí deadline nhưng với 1 số công việc đặc thù thì nên có thỏa thuận trước: Tuy ở cương vị sếp nhưng mình không nghĩ là có thể đồng cảm với việc ép buộc công việc để nhân viên thường xuyên online. Có một số công việc đặc thù như chăm sóc khách hàng và được quy định, trao đổi ngay từ đầu trước khi 2 bên bắt đầu công việc thì sẽ yêu cầu nhân viên cần online và trực deadline thường xuyên, còn với các ngành nghề khác không mang tính chất đặc thù thì mình không nghĩ đây là việc làm phù hợp.
Sếp không nghỉ thì nhân viên cũng không được nghỉ?
Tuy nhiên nhiều người cũng cho rằng chuyện sếp dí nhân viên có thể đến từ văn hóa “sếp không nghỉ thì nhân viên không nghỉ” của công ty. Mỗi nhân viên đều có quyền lựa chọn xem mình có phù hợp với văn hóa và nhịp độ làm việc như vậy hay không.
Có những nhân viên lại mang tâm lý… NGẠI. Hàng ngày đi làm thấy sếp chưa về nên mình cũng không dám về, nên mình đi chơi mà sếp ở nhà làm cũng phải rón ra rón rén. Thực ra, nhiều sếp không quan tâm đến việc nhân viên đang ở đâu, đi đâu mà chỉ cần nhân viên hoàn thành xong công việc. Bởi lẽ mỗi công việc có đặc thù, yêu cầu khác nhau, trách nhiệm làm sếp khác với trách nhiệm làm nhân viên.
Anh Quang Minh chia sẻ: “Trải nghiệm mỗi người là khác nhau. Sếp có nỗi lo phổ quát hơn, là những điều mà nhân viên sẽ không nhìn thấy còn nhân viên thường sẽ xử lý các việc cụ thể hơn. Bản thân việc xử lý các việc cụ thể cũng có sự thoả mãn nhất định khi hoàn thành còn sếp thì không bao giờ hết lo bởi vì xử lý xong việc cụ thể lại có những việc “lờ mờ” đâu đó chưa nhìn ra. Ở cấp bậc nào cũng có vấn đề riêng của mình và càng lên level quản lý cao hơn thì vấn đề sẽ càng rộng hơn.
Tuy vậy, nhân viên cũng sẽ có stress riêng như khi sếp nhìn thấy bức tranh tổng quát thì có hình dung rõ ràng, còn nhân viên không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh mà cứ được giao cho mình những việc mà bản thân không hiểu tại sao phải làm. Do đó, thường xuyên trao đổi, kết nối với các sếp, sẽ giúp cho tổ chức gắn kết và phát triển dễ dàng hơn, bản thân người nhân viên cũng thoải mái, dễ chịu hơn”.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhiều nhân viên lại lạm dụng “quyền lợi” được sếp tôn trọng thời gian nghỉ ngơi và được trả lương overtime dễ dẫn đến tâm lý đòi hỏi trước khi có thành quả, làm cho quản lý không hài lòng về thái độ và tinh thần làm việc.
Chị Nguyệt Ánh cho hay: “Nhân viên làm việc hết sức, có tâm, có trách nhiệm trước đã, đừng cứ hơi chút – chưa cống hiến được gì đáng kể mà đã chăm chăm đòi hỏi được nghỉ ngơi và có lương thêm giờ. Những nhân viên trẻ có tâm thế đó luôn là mục tiêu cho nghỉ việc số 1 của các nhà quản lý, lãnh đạo.
Nếu ‘ảo tưởng sức mạnh’ nghĩ rằng mình ‘quá tốt’ mà sếp không ‘biết điều’ thì đó lại là vấn đề của bạn, và với tâm thế đó, bạn có đi 100 công ty khác, gặp 1000 vị sếp khác thì kết quả vẫn sẽ tương tự nhau”.
Suy cho cùng các sếp quan tâm nhất tới tinh thần làm việc và kết quả hiệu suất của nhân viên. Cho nên, nếu chỉ đánh đồng và than phiền chung chung về việc dí deadline thì trong mắt các sếp, người nhân viên đang thể hiện bản thân là người có tư duy làm việc không chuyên nghiệp chứ không phải do bất kỳ ai đang làm ảnh hưởng đến họ cả.
Làm gì để không bị dí deadline ra tận bãi biển?
Phụ thuộc vào quy mô nhân sự, đặc thù lĩnh vực, tính chất công việc… của từng team, từng công ty, rất khó đưa ra tiêu chuẩn chung về tần suất xin nghỉ của nhân viên mà sếp mong muốn. Ví dụ 1 công ty nhỏ, tối ưu nhân sự thì 1 người nghỉ 1 ngày cũng ảnh hưởng rất nhiều, làm trì hoãn rất nhiều công việc của công ty.
Để thực sự “fair” (công bằng) cho người lao động và cũng là điều mà người sử dụng lao động lưu tâm và đảm bảo cho người lao động, đó là đảm bảo tần suất nghỉ ngơi theo quy định của luật lao động: 12 ngày nghỉ phép/ năm đối với người ký hợp đồng lao động.
Dẫu vậy, vì yêu cầu công việc, nhiều công ty buộc phải đặt ra quy định nội bộ là mỗi đợt nghỉ không quá tối đa bao nhiêu ngày liên tục, mỗi đợt xin nghỉ quá 3 ngày thì cần xin phép trước bao lâu, trong ngày nghỉ cần check mail/ điện thoại tối thiểu mấy lần/ ngày, phản hồi trong tối đa bao nhiêu giờ… – chị Nguyệt Ánh giải thích.
Còn để đảm bảo không có chuyện buộc sếp phải gọi tới gọi lui trong kỳ nghỉ, quan trọng nhất là khả năng quản lý, sắp xếp công việc của chính nhân viên. “Trước mỗi kỳ nghỉ hoặc lễ, nhân viên hãy đặt vào vị thế công ty và trải nghiệm khách hàng lên trước xem có thể phát sinh điều gì? Ví dụ như 30/4 năm trước đơn hàng tăng/ giảm ra sao, vậy thì có công việc gì sếp và công ty cảm thấy quan trọng, mình cần hoàn thành xong trước lễ? Sau đó nhân viên sắp xếp để làm, có thể mỗi ngày 1 ít hoặc làm hết sạch luôn để có thể nghỉ ngơi thoải mái” – Xuân Quyên bật mí.
Đôi khi sếp cũng không ngại tạo điều kiện tối đa cho nhân viên có cơ hội nghỉ dài. Anh Quang Minh là ví dụ: “Với những nhân sự mà mình xác định hợp tác lâu dài thì ở tổ chức của mình, thậm chí có nhân sự xin nghỉ những khoảng thời gian rất dài 3 – 6 tháng. Với các lý do chính đáng và sếp có thể sắp xếp để hỗ trợ thì đó là khoảng thời gian hiệu quả cho cả nhân viên và tổ chức để có ý tưởng mới, năng lượng mới. Miễn là hai bên hiểu rõ cái khoảng thời gian đó dành ra để làm gì và vẫn xác định tiếp tục gắn kết với nhau”.
Còn nếu khi muốn nghỉ thêm nhưng lý do người nhân viên đưa ra không chính đáng (chính sếp có thể cảm nhận được qua tiếp xúc và tìm hiểu) cộng thêm không hoàn thành được công việc thì chắc chắn sẽ khó để tiếp tục. Nhiều khi, trong hoàn cảnh khó khăn (ví dụ như đợt dịch vừa rồi, lại gặp trường hợp nhân viên như vậy), các sếp có thể coi đó là lúc nên tối ưu bộ máy quản lý và hệ thống nhân sự của mình.
HR – “người ở giữa” nói gì về tình trạng này?
Trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên nói chung cũng như chuyện nghỉ phép nói riêng, HR (Human Resources) cũng là một mắt xích quan trọng. Đây là bộ phận nhân sự – tuyển dụng làm “cầu nối” giữa sếp và nhân viên ngay từ giây phút đầu tiên khi nhân viên có ý định vào công ty làm việc. Sau đó họ tiếp tục giữ trách nhiệm lớn trong việc duy trì nguồn lực, đề xuất chế độ đãi ngộ giữ chân người tài, gắn kết toàn thể các phòng ban với ban lãnh đạo,… giúp cho sự phát triển bền vững của công ty.
Vì vậy, chẳng quá lời khi gọi họ là “người ở giữa”, bản thân là nhân viên, hiểu rõ quyền lợi/ trách nhiệm của các nhân viên phòng ban nhưng đồng thời cũng có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cao nhất cho công ty mình đang công tác.
Theo tìm hiểu, phần lớn HR có quan điểm tương đồng với các sếp trên. Chuyện dí deadline liên tục kể cả ngày nghỉ xảy ra khá thường xuyên ở các công ty có tính chất công việc yêu cầu nhanh nhạy, sự kiện liên tục xảy ra bất kể ngày giờ như ngành y, kinh doanh, quảng cáo, truyền thông… dẫn tới việc các HR làm việc trong các công ty này dù đồng cảm và khâm phục những nỗ lực của các nhân viên phòng ban – nhưng cũng hiểu đó hoàn toàn do đặc thù công việc yêu cầu, phù hợp mức lương được nhận, sự chấp thuận ở hai phía từ lúc đầu và coi đó là chuyện thường.
Nghe thì có vẻ HR “thiên vị” sếp nhưng chính bản thân HR, đặc biệt là khi vào đợt tuyển dụng (cuối tuần, cuối năm, cuối quý,…) họ cũng thường xuyên phải tranh thủ tìm CV, chuẩn bị nội dung hình ảnh đăng tuyển để hoàn thành KPI như bao nhân viên khác. Hơn ai hết, HR hiểu rằng “người dí” họ cũng “bị dí” bởi những sếp cao hơn nữa. Ngọc Nữ (HR tại 1 công ty dược) nói: “Đó là 1 phần trong yêu cầu công việc. Bản thân sếp cũng chịu áp lực từ cấp cao hơn như Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc,…”
Dẫu vậy, ai cũng đồng quan điểm mong muốn sếp dí “văn minh”, có áp lực cũng có linh hoạt, cân đối việc trong giờ hành chính, khi thật sự cần gấp mùa cao điểm thì yêu cầu. “Mỗi người sẽ có công việc chuyên trách của mình, nếu sếp ít nghỉ ngơi và làm việc liên tục thì khi sếp giao việc, công việc sếp đưa ra nằm trong công việc nhân viên phải giải quyết, thì nhân viên vẫn phải làm”, Nguyễn Thị Thảo (HR tại 1 công ty truyền thông) nói. Tuy nhiên đây không phải là điều nên lạm dụng bởi lẽ sau khi làm việc, ai cũng cần nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng.
Các HR cũng không quên đưa lời khuyên cho một nhân viên để có một kỳ nghỉ phép suôn sẻ, không bị dí. Nguyễn Giao (SN 1995, HR tại công ty thành viên thuộc tập đoàn Aeon) chia sẻ: “Nên xin nghỉ tầm 2 – 3 ngày kèm theo các ngày cuối tuần là hợp lý. Không nên nghỉ phép quá dài. Dù biết chúng ta có 12 – 15 ngày nghỉ phép. Tuy nhiên nghỉ phép liên tục trên 4 ngày không tính ngày nghỉ cuối tuần sẽ ảnh hưởng đến công việc.
Trước khi có kế hoạch cho kỳ nghỉ cần liệt kê ra các đầu việc cần làm, hoàn thành và báo cáo tiến độ để tránh đến ngày nghỉ vẫn chưa hoàn thành dẫn đến bị sếp dí deadline. Sau đó thông báo với sếp và đồng nghiệp về thời gian nghỉ dự kiến và nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp nếu có sự việc phát sinh”.
Còn Ngọc Nữ, cô nàng tiết lộ bí kíp nghỉ như sau: “Thường khi có việc đột xuất thì nhân viên có thể xin nghỉ phép nhưng mình khuyến khích nghỉ phép có kế hoạch. Nếu nghỉ trên 3 ngày phải báo trước cho cấp trên ít nhất 1 tuần và phải đảm bảo công việc của mình. Mình nghĩ 3 tháng 1 lần người lao động có thể nghỉ phép để du lịch tái tạo sức lao động”.
Tạm kết
Sau cùng, điểm mấu chốt của vấn đề là nhân viên hãy đảm bảo công việc, không gây ảnh hưởng tới tiến độ chung để có một kỳ nghỉ thoải mái. Đồng thời nhân viên cũng nên thể hiện sự chuyên nghiệp và tinh thần làm việc tốt nhất khi có công việc cần kíp, hệ trọng trong ngày nghỉ. Mọi cố gắng, nỗ lực của cả 2 bên chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng!
Nguồn: Tri thức trẻ