Dầu ăn, mì tôm, trứng… “rủ nhau” tăng giá, người tiêu dùng kêu trời
Giá xăng liên tục tăng từ đầu năm nay khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng như dầu ăn, trứng gà, mì chính, mì tôm, đường… đồng loạt “rủ nhau” tăng giá.
Mọi lần, cầm 500.000 đồng đi chợ, chị Nhật Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) khá thoải mái chi tiêu. Nhưng hiện giờ, cũng với ngần đó tiền, chị phải cân đong đo đếm mới mua đủ đồ dùng vì các mặt hàng đều tăng giá.
Trong đó, tăng cao nhất phải kể đến dầu ăn với mức tăng 10-20% tùy loại. Nếu trước Tết một chai dầu Neptune loại 1 lít có giá 50.000 đồng thì nay tăng lên 60.000 đồng, dầu Cái Lân từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/lít, dầu Mezan từ 45.000 đồng/lít lên 55.000 đồng/lít, dầu Simply từ 50.000 đồng/lít lên 60.000 đồng/lít.
Giá mì tôm, nước mắm cũng không ngoại lệ khi đồng loạt “rủ nhau” tăng. Mì Omachi, Kokomi, Ba Miền đều nhích 5.000 – 10.000 đồng/thùng, giá bán theo gói thậm chí còn cao hơn. Nước mắm Nam Ngư từ 40.000 đồng/chai lên 43.000 đồng/chai, Chinsu từ 35.000 đồng/chai lên 40.000 đồng/chai, Đệ Nhị từ 17.000 đồng/chai tăng lên 20.000 đồng/chai. Thậm chí muối ăn cũng tăng 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.
“Không chỉ dầu ăn, mắm, muối tăng giá, nhiều loại thực phẩm cũng đua nhau tăng giá như trứng gà từ 40.000 đồng/chục lên 50.000 đồng/chục. Gà công nghiệp từ 23.000 – 25.000 đồng/chục tăng lên 38.000 – 40.000 đồng/chục. Dù chấp nhận mức tăng giá này do giá xăng dầu tăng cao nhưng mỗi thứ tăng một tý như thế cộng lại cũng khá nhiều. Trước tiêu thoải mái, giờ chắc là tôi phải siết lại thôi”, chị Linh nói.
Chị Nguyễn Huệ, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) cho biết dầu ăn là mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Tính từ đầu năm đến nay, dầu ăn có 3 đợt tăng giá chính, mỗi đợt tăng 3.000 – 4.000 đồng/lít. Còn mì tôm là mặt hàng tăng giá chậm nhất từ 3.000 – 5.000 đồng/thùng kể từ đầu năm.
Theo chị Huệ, giá hàng hóa thường tăng theo giá xăng. Ban đầu, nhiều người tiêu dùng khá sốc nhưng sau này thì quen dần. Để có giá tốt tới tay người mua và cạnh tranh được với các cửa hàng khác, chị phải nhập lượng lớn để dự trữ.
“Giá cả mỗi ngày mỗi khác khiến nhiều mặt hàng tôi không kịp thay giá, khi thanh toán nhiều khách thắc mắc sao giá cao hơn niêm yết. Tôi đành giải thích để khách thông cảm vì giá nhập vào tăng lên nên tôi phải bán cao hơn nếu không là lỗ. Nhiều khách cũng thông cảm vì tình hình chung họ cũng hiểu, nhưng nhiều khách không hiểu nên họ không mua nữa”, chị kể.
Chị Nguyễn Thảo, tiểu thương ở chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, 3 tuần gần đây, giá trứng gà đã tăng cao kỷ lục. Cuối năm ngoái, trứng gà công nghiệp có giá 20.000 – 23.000 đồng/chục thì nay lên 31.000 – 35.000 đồng/chục. Mặc dù giá trứng cao nhưng số lượng hàng nhập vào luôn thiếu vì các trang trại giảm số lượng gà nuôi do giá cám tăng.
Ghi nhận tại các sàn thương mại điện tử cũng cho thấy giá trứng bán ra khá cao. Giá trứng gà loại 2 được bán với giá 35.000 – 38.000 đồng/chục, loại 1 được bán với giá 45.000 – 48.000 đồng/chục.
Giá trứng, dầu ăn, mì chính, mì tôm, đường… liên tục tăng giá khiến quán cơm rang của chị Thảo Nguyên (Mỹ Đình, Hà Nội) buộc phải tăng giá theo. Chị cho biết, quán đã mua dầu ăn dự trữ cách đây 2 tháng nhưng vẫn không thể chống đỡ nổi cơn “bão giá”. Do đó, quán phải tăng thêm 2.000 – 3.000 đồng/suất cơm.
Bày tỏ lo lắng khi giá hàng hóa tăng cao, chị Hà Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Hàng hóa cứ rủ nhau tăng giá thế này khiến tôi đau cả đầu vì phải tính toán sao cho vừa vặn với đồng lương eo hẹp của 2 vợ chồng”.
Để cân đối chi tiêu, chị kể: “Tôi phải siết tối đa và cắt giảm nhiều khoản chi tiêu không cần thiết, thống kê mức chi tiêu hàng ngày để theo dõi và cân đối cho những ngày tiếp theo. Ấy thế mà các khoản chi tiêu của gia đình tôi, tính cả tiền xăng, mỗi tuần vẫn tăng thêm 30%”.
Nguồn: dantri