Năm 2022, TP.HCM có 140.000 việc làm mới tập trung ở một số ngành nghề, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm việc làm mới.
Thực trạng ngành nghề hiện nay của TP.HCM
Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Do đó, nhu cầu nhân lực năm 2020 giảm mạnh ở một số ngành so với năm 2019, như du lịch, dệt may, giày da, giáo dục đào tạo, dịch vụ lưu trú, ăn uống…
Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Vân – Phó Giám Đốc phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), nhận định: “Với những điều kiện khách quan về hội nhập kinh tế quốc tế và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế là điều kiện phát triển thị trường lao động thành phố trong các năm tới. Dự báo một số ngành tiếp tục có xu hướng phát triển, thu hút nhân lực như: điện tử – Công nghệ thông tin, Cơ khí – Tự động hóa, Công nghệ thực phẩm, Logistics, Thương mại điện tử…”.
XEM THÊM: Top 3 Ngành Nghề Đang Hot Tại Việt Nam
Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong năm 2022
FALMI cũng đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM năm 2022 cần khoảng 270.000 – 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới.
Nhu cầu nhân lực quý I/2022 cần khoảng 70.000 – 75.000 chỗ làm việc; các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho hoạt động ổn định phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cụ thể nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành như kinh doanh – thương mại, dịch vụ phục vụ; dệt may – giày da, chế biến thực phẩm, hóa chất – nhựa – cao su, dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng, vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng, công nghệ thông tin, du lịch – nhà hàng – khách sạn.
Nhu cầu nhân lực năm 2022 tập trung ở các ngành: Kinh doanh – thương mại chiếm 20,16% tổng nhu cầu, điện tử – công nghệ thông tin chiếm 10,96% và tập trung ở một số ngành dịch vụ – phục vụ; cơ khí – tự động hóa; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng dịch vụ cá nhân – chăm sóc sức khỏe và y tế; dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng; dệt may – giày da; kinh doanh tài sản – bất động sản; tài chính – tín dụng – ngân hàng; kế toán – kiểm toán; du lịch – nhà hàng.
Nguồn: Lao động