Những quy tắc ngầm để tồn tại nơi công sở mà ai cũng cần nhớ kỹ
Quy tắc ngầm ở nơi công sở luôn tồn tại và việc của bạn là tìm ra và ghi nhớ chúng. Chúng chính là kim chỉ nam để bạn “sống sót” và bứt phá!
Môi trường công sở luôn được coi là nơi phức tạp và tương đối thị phi. Nơi chỉ gói gọn trong bốn bức tường ấy hóa ra lại sôi nổi và kịch tính đến không ngờ. Để “tồn tại” trong môi trường ấy, có những quy tắc công sở ngầm mà chỉ những nhân viên “kì cựu” mới hiểu hết và không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ.
Không bỏ rơi đồng đội là quy tắc ngầm không được phép quên
Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói “Muốn đi nhanh thì hãy đi một mình còn muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau” đúng không? Bạn muốn đạt được thành công vững chắc thì bạn phải tạo dựng được một team cho riêng mình. Và đội nhóm ấy của bạn phải hết sức đoàn kết, không ai bỏ rơi ai trong lúc hoạn nạn, khó khăn cả bởi vì mỗi một thành viên đều là những “mắt xích” quan trọng và không thể thiếu được của “bộ máy” chung.
Bạn sẽ không thể ngăn được hay tránh được những lúc bạn và thành viên khác trong nhóm bất đồng ý kiến, xung đột về mặt quan điểm rồi chẳng thể vui vẻ với nhau. Dù có tình hình có căng thẳng thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng nghĩ đến loại bỏ ai hay bỏ rơi ai ra khỏi nhóm. Thay vào đó, hãy bình tĩnh nói chuyện với nhau và ở vào vị trí của nhau để suy nghĩ. Bạn sẽ hiểu được người kia nghĩ gì, tại sao họ lại bất đồng ý kiến với mình. Tìm ra điểm chung để dung hòa và thống nhất ý kiến sẽ tốt hơn rất nhiều việc cứ khăng khăng giữ lấy cái tôi của bản thân rồi đi gây xích mích với người khác trong nhóm. Điều đó chỉ khiến nhóm của bạn gặp nguy hiểm và công việc chung cũng vì thế mà không thể hoàn thành.
Bạn được thuê để giải quyết rắc rối chứ không phải để biến thành rắc rối cho người khác
Hãy luôn nhớ rằng lãnh đạo công ty của bạn thuê bạn về để bạn giúp họ giải quyết khó khăn, rắc rối; để bạn cống hiến sức mình giúp công ty ngày càng phát triển và đi lên. Họ không thuê bạn về để bạn biến chính mình thành rắc rối, thấy một nhân vật thừa thãi chẳng đem lại lợi ích gì cho tập thể. Hãy cố gắng làm việc và tự giải quyết những vấn đề của bản thân nếu nó không có gì quá to tát. Đừng làm phiền hay cầu xin sự giúp từ đồng nghiệp hoặc lãnh đạo nếu điều đó không cần thiết. Đừng lười biếng mà hãy tận dụng hết khả năng để cống hiến bởi nếu bạn không chứng minh được giá trji của bản thân thì bạn cũng sẽ sớm bị đào thải ra khỏi môi trường ấy đó!
Không có thành tích thì chăm chỉ bao nhiêu cũng chẳng ích gì
Chăm chỉ, nỗ lực là đức tính tốt và cần phát huy nhưng bạn cũng phải nhớ kỹ một điều rằng sự nỗ lực phải đi kèm với thành quả. Nếu bạn chỉ chăm chỉ không thôi nhưng không đạt được thành tựu gì thì sớm muộn bạn cũng sẽ không còn cơ hội chứng minh bản thân nữa đâu. Khi bạn chưa quen việc, bạn làm không tốt thì đồng nghiệp và lãnh đạo đều thông cảm và tạo cơ hội. Tuy nhiên, nếu điều ấy cứ mãi lặp đi lặp lại thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác. Nói thẳng ra, công ty không thể cứ chi tiền cho một kẻ không làm được trò trống gì. Nếu bạn để tình trạng ấy xảy ra quá nhiều và quá lâu thì sự chăm chỉ cũng chẳng thể trở thành chiếc “phao cứu sinh” cứu bạn khỏi bị sa thải được đâu!
Không biện minh cho thất bại của bản thân
Năng lực đôi khi chưa chắc đã phải là “chìa khóa” giúp bạn thành công, đôi khi chính thái độ và cách hành xử của bạn sẽ quyết định bạn là winner hay loser, bạn ở lại công ty hay sẽ bị sa thải. Nếu vấp ngã và thất bại, đừng ngồi than thân trách phận, càng đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh và không nhận lỗi về mình. Hãy học cách tự chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra và không biện minh cho thất bại của chính mình. Đó là một lối sống, lối làm việc sai lầm và sớm muộn gì cũng đẩy bạn xuống “vực thẳm”!
Bạn cũng từng chán nản hay tuyệt vọng về bản thân khi gặp thất bại. Hãy giữ cho mình tinh thần lạc quan và tích cực. Bạn ngã thế nào không quan trọng, quan trọng là bạn phải biết đứng lên; ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó! Phải dũng cảm bước tiếp thì bạn mới có thể nhận được “trái ngọt”, luôn bỏ dở giữa chừng thì bạn chỉ mãi là kẻ thất bại!
Trên đây là những quy tắc ngầm mà “dân” công sở cần nhớ kỹ để “sống sót” tốt trong môi trường phức tạp và bứt phá vươn lên để đạt được những gì mình muốn. Hãy áp dụng ngay xem sao nhé!