Người nói nhiều, hay còn gọi là người hoạt ngôn luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Họ thích được nói, thích được chia sẻ, truyền đạt kiến thức hữu ích tới mọi người. Những người hoạt ngôn thường là người hướng ngoại, cởi mở giao tiếp và phù hợp với nhiều công việc.
Dưới đây là 5 ngành nghề mà những người thích nói, thích giao tiếp có thể cân nhắc chọn lựa. Đây đều là công việc tiềm năng, dự báo trở thành xu hướng trong vài năm tới, ra trường có việc làm luôn, không lo thiếu việc.
1. HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
Hướng dẫn viên du lịch chẳng những là công việc lý tưởng cho người hay nói mà còn cực kỳ phù hợp với tín đồ “xê dịch”, ưa khám phá. Ưu điểm của công việc này là dù làm nhân viên chính thức cho công ty lữ hành, tổ chức du lịch hay hướng dẫn viên cộng tác thì bạn vẫn sở hữu sự tự do đáng kể về không gian và thời gian.
Khi gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch, bạn sẽ được nói rất nhiều. Bạn phải tiếp xúc, giao lưu và kết bạn với nhiều người khác nhau mỗi ngày. Nhịp làm việc này sẽ giúp bạn mở mang kiến thức xã hội, tăng cường trải nghiệm về các mối quan hệ và làm giàu đời sống tinh thần.
Như mọi ngành nghề khác, bạn cần sở hữu những tố chất nhất định để trở thành một hướng dẫn viên giỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là khả năng giao tiếp và truyền đạt thông tin. Những người làm trong ngành nghề này vẫn thường bông đùa nhau rằng: “Nghề hướng dẫn không quá khó như ta tưởng tượng, chẳng đòi hỏi gì cả, chỉ cần bạn biết nói”. Điều này hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, hướng dẫn viên phải nói bằng kiến thức, có khiếu hài hước, có duyên trò chuyện để thu hút mọi người.
Thu nhập trung bình nghề hướng dẫn viên du lịch dao động từ 10 – 18 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền được khách tặng hỗ trợ thêm nếu làm việc tốt. Những ngày lễ tết, hướng dẫn viên sẽ nhận được nhiều tour hơn, thu nhập có thể lên tới 30 triệu đồng/tháng.
2. TỔ CHỨC SỰ KIỆN
Có nhiều chọn lựa cho người hoạt ngôn, thích giao tiếp, trong đó có ngành nghề tổ chức sự kiện. Bạn có thể trở thành người lập kế hoạch, tổ chức sự kiện mang ý nghĩa trọng đại như: Đám cưới, lễ đính hôn, lễ sinh nhật, lễ mừng thọ,… cho khách hàng. Công việc này phù hợp với những người giàu ý tưởng, thích giao tiếp và giỏi tư vấn. Dù bạn ở vị trí nào trong ngành nghề này thì mỗi ngày của bạn đều sôi động, thú vị.
Bên cạnh đó, bạn có thể trở thành một chuyên viên tổ chức sự kiện tại công ty chuyên nghiệp. Với hướng đi này, bạn có thể xin vào các công ty truyền thông, quảng cáo để thực hiện vô vàn dự án khác nhau. Hoặc nếu bạn thích học hỏi chuyên sâu, ưa sự ổn định thì có thể ứng tuyển vào làm việc tại phòng marketing của một doanh nghiệp rồi tập trung đóng góp cho sự phát triển lâu dài của họ.
Nghề tổ chức sự kiện đòi hỏi phải thực hiện nhiều cuộc trò chuyện mỗi ngày. Đầu tiên, bạn cần gặp gỡ khách hàng, gợi mở khai thác nhu cầu, tư vấn các ý tưởng, thuyết phục lựa chọn phương án rồi tiếp đến là sử dụng dịch vụ. Sau đó là quãng thời gian bận rộn mà bạn phải liên hệ với các bên như: Nhà cung cấp, điều phối đơn vị thi công, cộng tác viên rồi tiếp tục khâu kiểm tra, giám sát, đốc thúc nhằm đảm bảo mọi thứ diễn ra theo kế hoạch.
Sau tất cả những bận rộn và vất vả, nghề tổ chức sự kiện khiến cuộc sống của những ai theo đuổi nó trở nên đa dạng màu sắc và nhiều cảm xúc.
Thu nhập bình quân của ngành nghề tổ chức sự kiện là 8 – 25 triệu đồng, tùy kinh nghiệm, năng lực và khối lượng công việc của mỗi người.
3. QUAN HỆ CÔNG CHÚNG
Chuyên viên quan hệ công chúng hay chuyên viên truyền thông là ngành nghề triển vọng, đang được nhiều bạn năng động, hoạt ngôn yêu thích. Yêu cầu đầu tiên của nghề là giao tiếp tốt, cả nói lẫn viết.
Công việc thường thấy của chuyên viên quan hệ công chúng là quảng bá thông tin về sản phẩm/dịch vụ hoặc những thành tựu mà công ty đã đạt được. Khi theo nghề, bạn phải thường xuyên tham dự các hội nghị, buổi họp báo, các sự kiện,… Ngoài ra, bạn phải là người chủ động liên hệ với các bên như: Nhà tài trợ, nhà đầu tư, cơ quan báo chí truyền thông.
Vì vậy, bạn cần có khả năng xây dựng và phát triển các mối quan hệ, nắm vững kỹ năng thuyết trình, tự tin phát biểu trước đám đông. Đồng thời, bạn phải sở hữu đầu óc linh hoạt và tư duy nhạy bén để xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra khi đang nói nhằm đạt hiệu quả giao tiếp tốt nhất.
Thu nhập bình quân của chuyên viên quan hệ công chúng là 15 triệu đồng/tháng.
4. PHÓNG VIÊN TIN TỨC
Để trở thành phóng viên tin tức, bạn phải là người có khả năng trình bày, ít nhất là có thể giới thiệu, truyền đạt thông tin. Liệu bạn có muốn nghe một thông tin gì đó mà người trình bày nói lắp bắp, nói ngọng, giọng đều đều không có ngữ điệu, điểm nhấn? Tất nhiên là không khán giả nào muốn nghe như vậy. Vì sẽ gây cảm giác nhàm chán, không hứng thú, thậm chí là… buồn ngủ.
Phóng viên tin tức chắc chắn phải là người hoạt ngôn, có khả năng giao tiếp tuyệt vời. Ngoài năng khiếu trời phú, họ phải thường xuyên rèn luyện giọng nói của mình để đem đến cảm giác tự nhiên, thu hút, thuyết phục công chúng. Bên cạnh đó, họ còn cần trang bị những kỹ năng khác như: Quan sát, thu thập thông tin, đặt câu hỏi, xâu chuỗi vấn đề,…
Phóng viên tin tức mới vào nghề có tổng thu nhập từ 6 – 12 triệu đồng/tháng. Sau khi có kinh nghiệm, tổng thu nhập có thể lên tới 20 triệu đồng/tháng.
5. NHÂN VIÊN BÁN HÀNG
Nhân viên bán hàng hay còn gọi là nhân viên sale không phải là ngành nghề xa lạ đối với chúng ta trong xã hội ngày nay. Nhân viên bán hàng là người đứng ra tiếp cận khách hàng để tạo doanh thu nên nhiều doanh nghiệp đầu tư số tiền lớn để xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. Nhân viên sẽ được đào tạo các kỹ năng như: Tư vấn, cung cấp thông tin, thuyết phục khách hàng,… Công việc này đòi hỏi bạn phải là có khả năng giao tiếp, thích được chia sẻ thông tin cùng sự khéo léo, tinh tế.
Kỹ năng quan trọng nhất mà nhân viên bán hàng cần có là khả năng thuyết phục khách mua sản phẩm. Một người bán hàng xởi lởi, thoải mái trò chuyện, tư vấn sản phẩm/dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách chắc chắn sẽ giúp cửa hàng đó đông khách. Do đó, nếu bạn là người có khả năng nói tốt thì hãy mạnh dạn ứng tuyển vị trí này.
Thu nhập của nhân viên bán hàng không giới hạn, tùy vào số lượng và giá trị sản phẩm/dịch vụ cung cấp. Mức thu nhập trung bình của họ dao động từ 10 – 20 triệu đồng/tháng. Với những mặt hàng giá trị cao, thu nhập của họ có thể thể lên đến 50 triệu đồng/tháng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.
Theo Tri thức trẻ