4 tuyệt chiêu chinh phục kỹ năng thuyết trình, muốn thành công phải biết
Thành thạo bí kíp trau dồi, nâng cao kỹ năng thuyết trình đồng nghĩa với việc bạn đang nắm trong tay chiếc chìa khóa thành công ở mọi lĩnh vực.
Cho dù bạn là ai, học ở đâu, làm nghề gì thì việc phải truyền đạt một vấn đề, thông điệp nào đó với người khác luôn là một nhiệm vụ khó có thể né tránh. Xung quanh bạn, không thiếu những tấm gương diễn giả với tài ăn nói trước đám đông khiến bao người ngả mũ. Họ làm được, bạn cũng có thể làm được và thậm chí còn không thua kém nếu biết trau dồi kỹ năng thuyết trình ngay hôm nay.
Thế nào là thuyết trình?
Thuyết trình là một từ ghép Hán Việt, chỉ hành động dùng lý lẽ, luận điểm, dẫn chứng để diễn giải, rao giảng, tuyên truyền một nội dung, vấn đề nào đó trước đám đông để họ tin tưởng, nghe theo. Thuyết trình là một hình thức của quá trình giao tiếp giữa một người với một người, một nhóm người hoặc một đám đông mà trong đó, giọng nói và ngôn ngữ cơ thể là phương tiện không thể thiếu để người thuyết trình truyền thông điệp một cách thành công. Một cuộc thuyết trình sẽ không thể xảy ra nếu thiếu đi một trong ba yếu tố chính là người nói, thông điệp và phương tiện, người nghe (khán thính giả).
Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng giảng giải, trình bày một vấn đề, quan điểm của người nói trước người nghe để hai bên đi đến sự thống nhất về mặt tư tưởng. Đó cũng là một trong những kỹ năng mềm giúp bạn tiệm cận thành công trong học tập, nghiên cứu và làm việc. Tuy nhiên để sở hữu khả năng thuyết trình nhuần nhuyễn, ấn tượng, bạn phải bỏ nhiều dụng tâm đầu tư, chuẩn bị nội dung, luyện tập phản xạ và ứng biến trong mọi trường hợp.
Kỹ năng thuyết trình quan trọng ra sao?
Một người có năng lực, kiến thức chuyên môn ấn tượng, thành tích học tập ‘không phải dạng vừa’ hoặc ý tưởng kinh doanh giàu sáng tạo mà không biết cách thể hiện, diễn đạt chúng thì chẳng cấp trên nào đủ can đảm tin tưởng, đề bạt anh ta. Ngược lại, một nhà quản lý không biết cách giảng giải, truyền đạt nhiệm vụ cần triển khai với cấp dưới, đàm phán, thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thì doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đi vào bế tắc. Khi đó, người ta buộc phải dùng đến kỹ năng thuyết trình để làm chủ quá trình giao tiếp, để thực hiện hóa mục đích sống và làm việc.
Bí kíp chinh phục kỹ năng thuyết trình khiến đám đông ngả mũ
Trau dồi vốn từ và lối diễn đạt
Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên một bài thuyết trình hay. Nếu không có cách diễn đạt mượt mà, phong phú, nội dung thuyết trình dù thú vị, đột phá đến đâu cũng khó có thể đọng lại trong lòng khán thính giả. Một buổi diễn thuyết sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán, thiếu lôi cuốn sẽ không thể níu chân người nghe, làm ảnh hưởng đến uy tín của người nói. Để tránh mắc phải sự cố nói trên, mỗi diễn giả phải có ý thức trau dồi vốn từ vựng, câu cú và cách diễn đạt sao cho hấp dẫn, trơn tru mỗi khi đứng trước đám đông.
Những nhà diễn thuyết nổi tiếng tự rèn luyện, nâng cao khả năng thuyết trình bằng cách đọc sách, đọc báo, xem truyền hình mọi lúc, mọi nơi, mọi thể loại, mọi lĩnh vực. Việc thường xuyên tiếp xúc với sách báo và các phương tiện tin tức đại chúng không chỉ giúp bạn trở nên nhạy cảm với ngôn ngữ, biết nhiều từ vựng hơn mà còn có thể tích lũy thêm kiến thức làm nền tảng cho những bài nói sau này.
Một công đôi ba việc, bạn vừa có cơ hội làm giàu vốn từ, kho chữ, vừa học hỏi được cách diễn đạt, đặt câu sao cho bài thuyết trình thật hấp dẫn. Bên cạnh đó, những kiến thức bạn có được còn là nguồn tài nguyên thông tin quý báu để sử dụng làm ví dụ, dẫn chứng tăng tính chân thực, sinh động cho nội dung diễn thuyết. Bạn cũng có thể tham gia dự thính hay theo dõi online những buổi thuyết trình của các diễn giả nổi tiếng để đúc rút kinh nghiệm, chắt lọc cái hay và khắc phục những hạn chế.
Rèn luyện ngữ điệu
Ngữ điệu chính là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa một nhà diễn thuyết giỏi với những kẻ ‘tay mơ’. Một câu chuyện nếu được kể bằng ngữ điệu khác nhau sẽ đem lại hiệu quả tiếp nhận khác nhau. Chắc chắn, sẽ chẳng có ai đủ kiên nhẫn ngồi nghe nếu bài thuyết trình đó được trình bày với một giọng điệu đều đều, hời hợt, không điểm nhấn, không trọng tâm. Ngôn ngữ nói cũng cần phải hấp dẫn, uyển chuyển thì văn bản nói mới đạt được hiệu quả mong muốn.
Với những buổi diễn thuyết có thời lượng dài, để có thể lôi kéo sự chú ý của khán thính giả, tránh làm họ phân tâm, hãy áp dụng cách nhấn mạnh, ngắt nhịp, ngừng nghỉ và điều chỉnh giọng nói lên bổng xuống trầm phù hợp với nội dung. Nếu chưa tự tin hoặc vẫn còn mơ hồ về phương hướng, hãy theo dõi những nhà hùng biện có kinh nghiệm để học hỏi cách họ làm chủ ngữ điệu giọng nói của mình.
Xây dựng đề cương khoa học
Dù là văn bản nói hay văn bản viết, trước khi tạo lập, bước đầu tiên bạn nên phác thảo dàn ý sơ lược rồi từ đó xây dựng đề cương chi tiết để đảm bảo nắm chắc ‘khung xương’ của bài và không bỏ quên luận điểm nào khi thuyết trình. Đề cương cần có đủ ba phần: đặt vấn đề, các ý chính và kết luận. Đừng chỉ thao thao bất tuyệt, nêu dẫn chứng, lập luận mà quên dẫn dắt chủ đề khiến khán thính giả hoang mang không biết họ đang nghe vấn đề gì, cũng đừng trình bày dàn trải mà không có một câu chốt lại vấn đề thể hiện quan điểm cá nhân của bạn để thuyết phục đám đông. Nếu bài thuyết trình có dung lượng dài, nhiều nội dung cần chia sẻ, hãy phân nhỏ chúng rồi giải quyết từng phần. Bạn nên trình bày theo trình tự, tránh việc đang nói luận điểm này lại ‘đá sân’, lan man sang luận điểm kia.
Làm chủ ngôn ngữ cơ thể
Bên cạnh yếu tố nội dung, ngôn ngữ cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của một bài phát biểu. Chắc hẳn, khán thính giả sẽ ít nhiều mất hứng thú khi tiếp xúc với một nhà diễn thuyết mà cơ mặt của anh ta không hề chuyển biến từ đầu đến cuối buổi. Nếu vấn đề trình bày vui vẻ, hài hước mà bạn lại mang một nét mặt lạnh lùng, buồn bã thì dù bạn nói hay đến đâu, nội dung được đầu tư công phu thế nào, chất giọng tuyệt vời ra sao, buổi thuyết trình cũng sẽ thất bại.
Trong quá trình diễn thuyết, bạn có thể di chuyển qua lại, lên xuống một cách hợp lý, thả lỏng cơ thể, cử động hai tay một cách linh hoạt, nhịp nhàng để tạo sự duyên dáng, lịch sự, tăng tương tác với người nghe. Bạn cũng nên chú ý vấn đề trang phục đầu tóc trước mỗi bài phát biểu. Tuyệt đối không được ăn mặc hở hang, xuề xòa bởi đó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng khán thính giả. Thời gian đầu chưa quen, hãy tự tập luyện bằng cách đứng thuyết trình một mình trước gương. Học cách kiểm soát nét mặt, cử chỉ và chuyển động cơ thể mà vẫn đảm bảo được việc tập trung tinh thần vào bài nói một cách thoải mái và tự nhiên.
Nếu không may mắn như nhiều người sinh ra đã có tài ăn nói, bạn cũng đừng vội lo lắng vì thiên tài có tới 99% là do nỗ lực mà thành. Kỹ năng thuyết trình cũng vậy, nếu có ý thức học hỏi, luyện tập, bạn sẽ vượt qua giới hạn của bản thân, tự tin chinh phục đám đông và có thêm nhiều cơ hội trong sự nghiệp và cuộc sống.
Phương
Nguồn: https://timviec.com.vn/